Phim Việt: Ăn mừng hay ăn may?
Mùa phim tết hồi sinh ngoạn mục trong cuộc đối đầu với các phim ngoại nhập. Tin vui về doanh thu khiến các nhà sản xuất hồ hởi. Sự kỳ vọng đang dồn vào các tác phẩm sắp ra mắt…
Phim Yêu em bất chấp nối dài trào lưu phim remake
Hay không bằng hên
Đại diện ê kíp Tháng năm rực rỡ công bố sau 10 ngày công chiếu, doanh thu cán mốc 65 tỷ đồng. Con số này tăng lên 76 tỷ đồng tính đến hết ngày 25-3. Trong tuần thứ 3 ra mắt, suất chiếu vẫn khá đều đặn tại hầu hết các cụm rạp trên cả nước. Ê kíp cũng hy vọng, phim có thể cán mốc 100 tỷ đồng, dù để đạt con số này là điều rất khó, nhất là trong bối cảnh có nhiều phim Việt và phim nước ngoài sắp ra mắt. Đây có thể xem là cú hích tích cực đối với thị trường phim Việt ngay trong quý đầu của năm 2018.
Nếu Tháng năm rực rỡ có thể cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng, đây sẽ là phim Việt thứ 5 vượt qua mốc này sau Em chưa 18, Em là bà nội của anh, Để mai tính 2. Bộ phim mới nhất gia nhập câu lạc bộ trăm tỷ là Siêu sao siêu ngố với thành tích ấn tượng vừa xác lập trong mùa Tết 2018.
Đã có những tranh cãi xung quanh việc có hay chăng những ảo tưởng đối với nền điện ảnh nước nhà, dù số lượng phim Việt đạt được cột mốc trên chưa đếm đủ một bàn tay. Và thực sự phim ăn khách cỡ trăm tỷ đồng có thực sự xuất sắc, hoặc hay không bằng hên?
Những thắc mắc trên là hoàn toàn chính đáng, bởi cho đến nay, chẳng nhà làm phim nào, ngay cả những tên tuổi như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn... dám tự tin rằng phim mình sẽ thắng khi chưa ra mắt.
“Trước khi phim ra rạp, tôi đều lo và cảm thấy không tự tin. Những gì mình thích, đam mê, chưa chắc khán giả đã thích”, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ.
Nói về mức độ tự tin, kể cả những đạo diễn trẻ mới vào nghề, nhiệt huyết hừng hực, cũng không dám mạnh miệng. Cho đến nay, chưa có chuyên gia, nhà làm phim, nhà sản xuất hay phát hành nào dám vỗ ngực tuyên bố về một công thức ăn khách. Đã có một thời những yếu tố như hài nhảm, “ngôi sao” phòng vé, danh hài, ngôn tình... được đưa ra, nhưng nay tất cả đều đã mất thiêng. Có phim được đánh giá cao lại “ngã ngựa” và ngược lại, vốn chẳng có gì là lạ.
Chính đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng bất ngờ khi Em chưa 18 cán mốc hơn 170 tỷ đồng, dù ban đầu ê kíp chỉ dám đưa ra con số khiêm tốn - 40 tỷ đồng.
Thị trường đi về đâu
Câu hỏi liệu thị trường điện ảnh Việt có đang thực sự ổn định, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, bởi nhiều nhà sản xuất vẫn đang loay hoay sẽ làm gì, làm như thế nào để chạy theo thị hiếu khán giả, vốn luôn thay đổi từng ngày.
Mặt bằng chung, từ năm 2017 đến những tháng đầu năm 2018, xu hướng phim remake (làm lại) vẫn đang nổi trội, xuất phát từ vấn đề nan giải là thiếu kịch bản chất lượng.
“Khi không tự tin vào kịch bản Việt (bởi sự mạo hiểm và không an toàn), buộc phải tìm đến những kịch bản tốt, trong đó remake là một lựa chọn”, đạo diễn Võ Thanh Hòa của Ông ngoại tuổi 30, chia sẻ.
Ngoài dự án này, ngay đầu năm 2018 còn có Tháng năm rực rỡ (đã ra mắt) và sắp tới là Yêu em bất chấp. Danh sách này chắc chắn sẽ còn nối dài, bởi bài toán kịch bản chưa dễ gì được giải trong ngày một, ngày hai.
Những đạo diễn như Lê Thanh Sơn, Charlie Nguyễn... cũng thừa nhận, remake là một phần tất yếu của bất cứ thị trường điện ảnh lớn nào. Nói như đạo diễn Lê Thanh Sơn - đó là một bước để “trui rèn kỹ năng”, còn Võ Thanh Hòa thừa nhận, dù không thực sự muốn làm remake nhưng vẫn muốn thử sức để có thêm kinh nghiệm. Sau Tháng năm rực rỡ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiếp tục thừa thắng xông lên với 50 First Dates - một phim Mỹ khá nổi tiếng.
Khi khán giả trẻ là đối tượng chiếm số đông, không ngạc nhiên khi dòng phim ngôn tình, chick-flick (dòng phim dành cho phụ nữ) đang là thể loại rất được ưa chuộng, thậm chí áp đảo.
Từ đầu năm 2018 có thể kể đến LALA hãy để anh yêu em, Yêu em từ khi nào, Thử yêu rồi biết, Tháng năm rực rỡ... Những đại diện tiếp theo sắp ra mắt còn dày đặc hơn với 100 ngày bên em, Yêu em bất chấp, Hạ cuối tình đầu, Em trên 18, Mùa tử đằng yêu em, First Love, Em gái mưa... So với con số 37 phim Việt đã được cấp phép năm 2017, năm 2018 hứa hẹn sẽ bùng nổ hơn nữa về số lượng.
Hiện, thị trường điện ảnh Việt có hai luồng quan điểm trái chiều liên quan đến câu chuyện chất lượng và doanh thu phim.
Thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng, số lượng phim đạt doanh thu cao chưa tương xứng so với tiềm năng thị trường cũng như nhu cầu khán giả ở một đất nước hơn 90 triệu dân như Việt Nam. Ngược lại với quan điểm trên, lập luận nếu đặt trong tương quan so sánh với các thị trường nước ngoài, nhất là Hollywood, mỗi năm có hàng ngàn phim, số lượng thành công ai cũng thấy, nhưng thất bại cũng không đếm xuể, nên cần có cái nhìn khách quan với phim Việt.
Cải thiện chất lượng là câu cửa miệng của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều yếu tố chi phối, trong đó có câu chuyện giá vé, phát hành, khiến nhiều nhà sản xuất hiện nay không dám mạo hiểm đầu tư cao. Thị trường vẫn đang cần những bộ phim chất lượng, được cả giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao làm động lực, qua đó dần thoát khỏi sự bất ổn.
Theo VĂN TUẤN (SGGP)