Về Bình Ðịnh vui lễ hội
Hàng năm, Bình Định diễn ra khoảng 18 lễ hội lớn, bên cạnh đó còn rất nhiều các lễ hội nhỏ với đặc trưng, quy mô địa phương. Nhờ ý thức giữ gìn của người dân, công tác quản lý tốt của các cơ quan chức năng, hầu hết các lễ hội ở Bình Định rất gần với lễ hội dân gian truyền thống, chân thành, giản dị và hồn hậu.
Hầu hết lễ hội Bình Định thường tập trung vào mùa xuân như: Lễ hội Chợ Gò ở huyện Tuy Phước vào mùng 1 Tết, Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa ở huyện Tây Sơn vào mùng 4 và mùng 5 Tết, Lễ hội Vía Bà ở Nhơn Phong vào ngày 17 tháng Giêng ở TX An Nhơn, Lễ hội Đô thị Nước Mặn ở huyện Tuy Phước vào ngày cuối tháng Giêng và đầu tháng 2 âm lịch… Mỗi lễ hội như vậy có thể thu hút vài chục ngàn lượt người từ khắp nơi. Có lẽ chân thành, giản dị và hồn hậu là một phần lý do khiến mấy năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều du khách ở xa về Bình Định, đắm mình vào không gian văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống.
Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa (huyện Tây Sơn) thu hút hàng ngàn du khách nhưng không hề xảy ra cảnh mất trật tự.
Cùng nhau gìn giữ nét đẹp
Đến nay, phần lớn lễ hội ở Bình Định vẫn hài hòa giữa hai yếu tố “lễ” và “hội”, giữa tín ngưỡng dân gian truyền thống với việc thực hành tín ngưỡng ấy vào đời sống hiện đại. Ở đó, phía sau sự thần bí của dân gian là nét duy lý, những vấn đề rất logic, đây là cách mà dân gian dùng để truyền lưu, tiếp nhận quy tắc sống “ở hiền gặp lành”, “uống nước nhớ nguồn”, “kính trọng ông bà tổ tiên”… Vì vậy, lễ hội là nơi người ta mong muốn được thanh tẩy và gửi gắm những muộn phiền vào đấng thiêng liêng, cũng như cầu mong, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.
Ý thức được ý nghĩa của lễ hội, cùng với lòng mến khách, người Bình Định cùng nhau gìn giữ nét đẹp của lễ hội dân gian, tránh xa các tệ nạn như mê tín dị đoan, kinh doanh trục lợi. Thực tế các lễ hội đã chứng thực điều này thông qua đặc điểm quan trọng, các lễ hội tạo ra rất ít cơ hội kinh doanh “nhất bản sinh vạn lợi”, lợi dụng việc tập trung đông người đột ngột để trục lợi.
“Cảng thị sầm uất ngày xưa đâu còn nữa! Nhưng lễ hội là niềm tự hào của chúng tôi, nhờ đó mà mọi người mới biết nhiều đến quê hương mình. Do vậy, chưa bao giờ có hiện tượng bán hàng chặt chém khách du lịch, nói một đằng bán một nẻo. Tôi nghĩ, khiến du khách vui vẻ là một cách gìn giữ và phát triển lễ hội, khiến ngày càng có thêm nhiều người biết đến Nước Mặn” - cô Mã Thị Tám, người bán nước ở Lễ hội Đô thị Nước Mặn tâm sự.
Trong khuôn khổ những Lễ hội lớn của Bình Định, Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa là niềm tự hào không chỉ của người dân Tây Sơn mà còn là của toàn dân Bình Định. Như các lễ hội khác ở Bình Định, sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi đậm đà màu sắc truyền thống như biểu diễn võ cổ truyền, hát bội, hô bài chòi cổ… Tham gia hô hát bài chòi tại Bảo tàng Quang Trung, nghệ nhân Nguyễn Phú vui vẻ cho biết: “Trước buổi hô hát, chúng tôi có giới thiệu về bài chòi và cách tham gia cho mọi người, ai không hiểu chúng tôi sẽ giải thích riêng nên du khách, nhất là du khách ở tỉnh xa, rất hào hứng tham gia, số lượng khách thượng chòi rất đông. Ngay cả đã hết giờ diễn, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng phục vụ nếu còn người muốn chơi!”.
Những điểm đơn giản vừa kể trên chưa phải là tất cả, nhưng không phải ở đâu cũng gìn giữ được.
Không khí trang nghiêm, trật tự tại Lễ hội Đô thị Nước Mặn (huyện Tuy Phước).
Yên tâm đi hội Bình Định
Bên cạnh ý thức giữ gìn của người dân địa phương, một điểm đặc biệt là các lễ hội ở Bình Định được chính quyền, các ngành chức năng quan tâm giữ gìn uy tín. Mỗi lễ hội diễn ra là sự phối hợp của tất cả các cơ quan chức năng như Trung tâm VH-TT&TT, Sở LĐ-TB&XH, đội an ninh trật tự, cảnh sát giao thông… để phòng tránh các tệ nạn ảnh hưởng xấu đến sự kiện.
Ông Bùi Xuân Lý, Chánh thanh tra Sở VH&TT, cho biết: “Trước mỗi lễ hội, UBND tỉnh luôn có văn bản chỉ đạo thành lập ban tổ chức lễ hội. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, lượng du khách tham gia lễ hội ở Bình Định ngày càng đông. Dù thế, ở các lễ hội không có cảnh xô bồ, chen lấn, ngộ độc thực phẩm. Các tệ nạn như ăn xin, chặt chém du khách, đốt vàng mã giảm hẳn. Nhìn chung tại các lễ hội đảm bảo an toàn để du khách có thể thoải mái trải nghiệm những điều thú vị”.
Những ngày đầu xuân, Tuy Phước là huyện có nhiều lễ hội thu hút đông đảo khách du lịch như Lễ hội Chợ Gò, Lễ hội Đô thị Nước Mặn… Nhằm hướng đến lễ hội ngày càng bài bản và tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, các cấp, ngành ở huyện Tuy Phước cùng nhau phối hợp tổ chức. Theo ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH-TT&TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Để chuẩn bị cho các lễ hội, theo chỉ đạo, các cơ quan chức năng có sự phối hợp chặt chẽ từ giao thông cho đến giá cả và các tệ nạn khác để du khách yên tâm có kỳ tham quan, thưởng ngoạn thú vị”.
Bình Định còn rất nhiều lễ hội đặc sắc, hấp dẫn trải đều trong năm. Bạn hãy đến với lễ hội Bình Định để tự mình cảm nhận nét truyền thống, dân gian vẫn còn rất nồng đượm!
THẢO KHUY