LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG SỬA ĐỔI:
“Lá chắn” bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực từ ngày 15.1.2018, không chỉ tạo hành lang pháp lý để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, mà còn là “lá chắn” bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định về vấn đề này.
Ông Phan Phú Hải
* Xin ông cho biết một số nội dung chủ yếu của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD - gọi là Luật các TCTD sửa đổi) ?
- Luật các TCTD sửa đổi là văn bản pháp lý quan trọng tạo lập khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém và là giải pháp quan trọng để thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Luật các TCTD sửa đổi có một số nội dung chủ yếu sau: Bổ sung một số quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của TCTD; hạn chế lạm dụng quyền quản trị, điều hành để phục vụ cho các lợi ích liên quan. Minh bạch hóa nguồn vốn góp, xử lý sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng thông qua việc bổ sung thêm một số nội dung cần thiết. Bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của TCTD. Bổ sung cơ chế áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý TCTD từ việc cảnh báo sớm đối với các rủi ro tiềm ẩn, can thiệp sớm để xử lý các vi phạm, đến đặt vào kiểm soát đặc biệt. Sửa đổi toàn diện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém để khắc phục các bất cập, vướng mắc của pháp luật về xử lý TCTD yếu kém đã nảy sinh…
* Ông có thể nói rõ hơn về các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt?
- Các phương án (PA) cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt bao gồm: PA phục hồi, áp dụng các biện pháp để TCTD được kiểm soát đặc biệt tự khắc phục tình trạng dẫn đến TCTD đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt. PA sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp áp dụng khi có TCTD nhận sáp nhập, hợp nhất, có nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của TCTD được kiểm soát đặc biệt. PA chuyển giao bắt buộc, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại (NHTM) được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao. Riêng về PA phá sản, luật quy định: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt khi TCTD này lâm vào tình trạng phá sản.
Trong các PA nêu trên, PA phục hồi, bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới là các PA luôn được ưu tiên áp dụng. PA phá sản chỉ được xem xét áp dụng như là PA sau cùng; việc áp dụng PA này phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc nêu trên.
* Vậy người gửi tiền được hưởng lợi gì từ Luật các TCTD sửa đổi, thưa ông?
- Có thể nói Luật TCTD sửa đổi giống như “lá chắn” bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, bởi Luật TCTD sửa đổi đưa ra nhiều cơ chế kiểm soát, hỗ trợ các ngân hàng, giúp ngân hàng trong diện bị kiểm soát sớm phục hồi. Điều này sẽ tạo cho người dân và DN, nhất là những khách hàng gửi tiền yên tâm.
Khách hàng giao dịch tại một NHTM ở Quy Nhơn.
Luật TCTD sửa đổi quy định rất chặt chẽ về việc NHNN can thiệp sớm vào các TCTD có nguy cơ, sau đó mới đưa vào kiểm soát đặc biệt và áp dụng PA phục hồi, bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư… hay cho phá sản. Theo Luật sửa đổi, bất cứ giải pháp nào vẫn phải đảm bảo an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, an toàn hệ thống ngân hàng, cùng giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Còn trong trường hợp ngân hàng phá sản chỉ được thực hiện khi không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD, quyền và lợi ích hợp pháp, niềm tin của người gửi tiền.
Theo quy định, mức trả tiền bảo hiểm của công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia đối với tiền gửi của người dân tại các TCTD bị phá sản bao gồm cả gốc và lãi cho vay của một cá nhân tối đa là 75 triệu đồng. Tuy nhiên, người gửi tiền bên cạnh việc nhận khoản đền bù của bảo hiểm tiền gửi, thì sẽ được nhận tiền từ hoạt động thanh lý tài sản của TCTD phá sản. Khi ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên, tiếp đến là những người gửi tiền, thứ ba là các TCTD trên thị trường liên ngân hàng, đối tượng tiếp theo được xét duyệt chi trả là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và thứ 6 là trả cho cổ đông của ngân hàng phá sản.
NHNN đang soạn thảo thông tư quy định cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt. TCTD chỉ được phép sử dụng khoản vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản vào mục đích chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân, không được dùng chi trả cho người có liên quan của TCTD; người điều hành, cổ đông sáng lập; người có liên quan của người quản lý, người điều hành, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)