Vai trò của nhà giáo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy học cho phù hợp. Nếu nhà giáo chỉ cung cấp, truyền dạy thông tin tri thức của các bộ môn khoa học thì ngày nay, người máy và các thiết bị thông minh sẽ làm tốt hơn các nhà giáo. Nhưng người máy và thiết bị thông minh không thể thay thế thầy giáo, cô giáo trong các trường học vì thầy giáo, cô giáo còn có nhiệm vụ giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực. Học sinh không chỉ học để có điểm cao, thi đỗ mà phải có phẩm chất và năng lực của người công dân thế kỷ 21.
Học sinh Trường tiểu học Khu công nghiệp Sài Đồng (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: MINH HÀ
Công việc dạy học của các nhà giáo ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của học sinh không chỉ được hình thành qua sách vở, qua in-tơ-nét mà phải được bổ sung qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhà giáo giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo. Nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Chỉ có thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh của từng học sinh, nhà giáo mới đưa ra được những phương pháp giáo dục phù hợp, làm cho học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và học hiệu quả.
Giáo dục và đào tạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 phải có sứ mệnh dám đương đầu với những mặt trái của xã hội tác động đến thế hệ trẻ.Trên thực tế, xã hội hiện nay chưa được ổn định, phân cực giàu nghèo ngày càng lớn, những tác động tiêu cực của xã hội, của văn hóa đời sống ngày một nhiều. Nhiều gia đình, bố mẹ lo kiếm sống, không đủ thời gian và không có phương pháp giáo dục con một cách khoa học; chỉ kỳ vọng vào con cái, áp dụng kiểu giáo dục áp đặt mà thiếu đồng hành, lắng nghe con. Do đó, vai trò giáo dục gia đình, giáo dục của nhà trường hiện nay là rất lớn. Thầy cô giáo không tâm huyết với nghề không thể sáng tạo ra những phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp với từng loại học sinh, nhất là những học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh sống, về điều kiện học tập.
Nhịp độ phát triển của đất nước không chỉ lệ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế, của khoa học kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào nhịp độ phát triển của giáo dục, đào tạo. Giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được ưu tiên phát triển đi trước một bước. Muốn vậy giáo dục phải được ưu tiên đồng bộ cả ba mặt: tài chính; cơ chế chính sách quản lý; đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ nhà giáo. Nhà giáo sẽ phát huy được vai trò khi yên tâm với cuộc sống đầy đủ bằng chính tiền lương Nhà nước trả. Không thể như hiện nay, nhà giáo phải kiếm sống bằng nhiều nghề, dạy học chỉ là phụ. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, trong khi chờ đợi chính sách Nhà nước thay đổi, nhà giáo phải biết tự phát huy nội lực để có thể đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Trước hết, thầy, cô giáo phải chuẩn bị cho mình có đủ nội lực để phát huy mọi tiềm năng của bản thân cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh. Thầy, cô chỉ nói hay, truyền đạt kiến thức giỏi là chưa đủ mà phải có đủ kiến thức về tâm lý học, giáo dục học để có khả năng thấu hiểu từng học sinh; phải có những quan điểm giáo dục tiên tiến kịp thời khích lệ học sinh, dẫn dắt học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm trên lớp, ngoài nhà trường… Dạy học kiểu áp đặt, khuôn mẫu cứng nhắc chắc chắn sẽ không thành công. Dạy học theo kiểu bắt học sinh răm rắp nghe lời, học sinh nào cũng phải giỏi toàn diện các môn, môn nào cũng quan trọng như nhau là cách dạy không theo hứng thú và sự phát triển khác nhau của mỗi học sinh. Để mỗi học sinh phát triển năng lực, thầy, cô phải nắm vững những nguyên tắc ứng xử với học sinh như: chấp nhận mọi mặt mạnh, yếu của từng học sinh, không được chỉ thích dạy những học sinh khá, giỏi, ngoan, loại trừ học sinh yếu kém, cá tính; khách quan đánh giá học sinh, không được có định kiến cá nhân để trù dập học sinh; cho phép học sinh lựa chọn những phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp, để các em tự giác thay đổi bản thân; biết xây dựng những tập thể học sinh biết tự quản lý, tự giải quyết các công việc, nhu cầu của chính các em; biết gieo nhu cầu để học sinh dần dần thực hiện các yêu cầu giáo dục chứ không thể dùng “kỷ luật sắt” để áp đặt các em. Dạy học dựa trên nhu cầu của người học và biết cách tổ chức để học sinh thực hiện bằng được những nhu cầu bản thân là cả một nghệ thuật. Nó đòi hỏi các nhà giáo phải thật sự tâm huyết, năng động và sáng tạo. Để phát huy nội lực của nhà giáo, các cấp quản lý giáo dục phải tạo ra trong mỗi nhà trường có văn hóa riêng, làm sao mỗi nhà trường phải tạo được văn hóa phát triển cho các nhà giáo.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ làm tốc độ phát triển xã hội ngày một nhanh hơn, con người sẽ được thỏa mãn nhiều nhu cầu tiện ích trong đời sống. Liệu điều đó có mang lại hạnh phúc cho số đông hay chỉ đáp ứng được nhu cầu của những người có thu nhập cao, những nơi kinh tế phát triển? Chắc chắn xã hội trong bước tiến của mình sẽ tìm được lời giải. Trong các giải pháp đó, không thể thiếu sự đóng góp của giáo dục, đào tạo. Giáo dục là một con đường dẫn mọi người đến thành công, tạo ra sự cân bằng trong xã hội. Nhà giáo Việt Nam hơn lúc nào hết phải thấy được đất nước và thế hệ trẻ đang trông chờ ở họ. Nhà giáo cần phát huy nội lực của mình mới chủ động đáp ứng được những nhu cầu thay đổi của xã hội, đất nước. TS NGUYỄN TÙNG LÂM - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Theo nhandan.com.vn