Công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ rừng năm 2018:
Cần nâng cao năng lực, chủ động phòng tránh và ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ
(BĐ) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR& PCCCR) năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do UBND tỉnh tổ chức ngày 3.4 tại TP Quy Nhơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu trao Bằng khen của Ủy Ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu do cơn bão số 12 năm 2017
Báo cáo và thảo luận của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tại hội nghị cho thấy, năm 2017, mưa, bão, lũ đã làm 30 người bị chết và mất tích; 1.146 ngôi nhà bị sập, hư hỏng; 2.326 ha lúa và hoa màu bị ngập nước; 24 tàu cá bị chìm; cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại 1.154 tỉ đồng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép diễn biến phức tạp với 8 vụ cháy rừng diện tích thiệt hại hơn 23 ha; 75 vụ phá rừng, diện tích trên 139 ha và hàng trăm vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, khai thác, cất giữ, vận chuyển lâm sản và động vật trái phép.., trong đó, có 3 vụ phá rừng tại An Lão, Vân Canh, Hoài Ân có quy mô lớn, gây bức xúc dư luận. Năm 2017 được đánh giá là năm có nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) được xử lý nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong số 266 vụ vi phạm Luật BV&PTR, tỉnh ta đã xử lý 252 vụ, trong đó có 174 vụ bị xử lý hình sự. Tỉnh cũng đã kiểm điểm rút kinh nghiệm trong toàn ngành đối với Giám đốc Sở NN&PTNT; kỷ luật khiển trách nhiều lãnh đạo huyện, xã và cán bộ công chức, viên chức có liên quan tại nhiều địa phương.
Năm 2018, dự báo hạn hán, mưa, bão, lũ sẽ xuất hiện cực đoan hơn. Do vậy, để hạn chế thiệt hại, bên cạnh công tác phòng chống hạn, tỉnh ta đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng; tăng cường công tác cảnh báo sớm thiên tai; đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông, thủy lợi; rà soát và xây dựng kế hoạch sơ tán, di dời các hộ dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao đến nơi an toàn; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm.. phục vụ cho công tác PCTT&TKCN. Bên cạnh đó, củng cố và nâng cao năng lực trong tác BVR&PCCCR, phấn đấu giảm 40% số vụ và diện tích rừng bị phá.
Phân tích, đánh giá công tác PCTT&TKCN, BVR&PCCR ở tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập do yếu tố khách quan và chủ quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời nâng cao năng lực và chủ động hơn đối với PCTT&TKCN, BVR&PCCR theo phương châm 4 tại chỗ. Trước nhất, các địa phương cần phải rà soát, điều chỉnh công tác chuẩn bị PCTT&TKCN phù hợp với thực tế; tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng và có biện pháp bảo vệ các công trình. Tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, ứng phó với mưa, bão, lũ cho người dân; di dời các hộ dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý triệt để các đối tượng vi phạm Luật BV&PTR, đồng thời vận động người dân tham gia BVR&PCCCR. Chuẩn bị và huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ đủ mạnh để phục vụ công tác BVR&PCCR…
Dịp này, Ủy Ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu do cơn bão số 12 năm 2017 tại vùng biển Quy Nhơn; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 8 cá nhân đã có thành tích xuất trong công tác ứng phó cơn bão số 12.
T.SỸ