Từ gợi ý của Thủ tướng, cần cách làm khác biệt để đột phá
“Từ các gợi ý của Thủ tướng, cộng với quyết tâm, Tổng công ty Xi măng phải có chiến lược, sản phẩm, cách làm khác biệt để tạo đột phá trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân luôn đổi mới rất mạnh mẽ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu rõ.
Như tin đã đưa, ngày 3.4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM). Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đạt được thể hiện qua các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh năm 2017, đồng thời yêu cầu Tổng công ty lưu ý, giải trình, làm rõ thêm về một số vấn đề như đóng góp cho tăng trưởng GDP; công tác quản trị, sắp xếp lao động, tiết kiệm nhân công, nguồn lực, tinh giản bộ máy; ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả, hướng tới xuất khẩu; tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên cho đất nước; bảo vệ môi trường…
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quyết tâm của Tổng công ty
Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh cho biết năm 2018, Tổng công ty đặt mục tiêu sản xuất gần 20,2 triệu tấn xi măng, tăng 4,5% so với 2017, tiêu thụ gần 29,9 triệu tấn, tăng 11,2%. Doanh thu và thu nhập khác đạt 39,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7%.
“Tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kết hợp với cải tiến chiều sâu, xử lý các nút thắt trong dây chuyền công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, cải thiện năng suất thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản xuất clinker vượt công suất thiết kế từ 5-6%. Bảo đảm mục tiêu tăng năng lực sản xuất, tiêu thụ từ 1,5 – 2 triệu tấn mỗi năm, đóng góp từ 45-50% sản lượng tăng trưởng chung toàn ngành”, báo cáo của VICEM cho biết.
Tuy nhiên, ông Bùi Hồng Minh cũng thẳng thắn nêu rõ nhiều tồn tại của Tổng công ty. Chẳng hạn, một số dự án đầu tư, xây dựng chậm tiến độ như tòa nhà VICEM tại đường Phạm Hùng, Hà Nội, dự án gạch không nung tại Nghệ An hiện nay đang dừng để nghiên cứu chuyển đổi hướng đầu tư hoặc chuyển nhượng thu hồi vốn.
“Nguyên nhân chậm tiến độ là chưa tính hết các yếu tố khách quan về thị trường, đặc biệt là không có nhiều kinh nghiệm đầu tư bất động sản thuộc ngành nghề khác, VICEM đã nhận thấy rõ những yếu kém, tồn tại”, ông Bùi Hông Minh thừa nhận.
Đáng lưu ý, VICEM cho biết có khả năng sẽ không hoàn thành đúng thời hạn việc cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Xi măng trong quý II/2018 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Giải trình về những vấn đề mà Thủ tướng lưu ý, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Lương Quang Khải nhấn mạnh “không giải quyết vấn đề năng suất lao động thì không cạnh tranh được”. Hiện nhiều đơn vị của VICEM đã giảm được nhiều lao động, như xi măng Bình Phước có công suất 2,3 triệu tấn chỉ cần 500 người. Tính chung toàn Tổng công ty có khoảng 14.000 lao động, sản xuất hơn 26 triệu tấn xi măng mỗi năm và bình quân mỗi năm giảm khoảng 400-500 người.
Cùng với đó là phải đổi mới công tác quản trị và ứng dụng các thành tựu công nghệ mới. “Nếu chỉ cần cù, chắt bóp, tiết kiệm thì không thể tăng trưởng mãi, chắc chắn phải có những biện pháp khác như tổ chức lại sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tiêu hao năng lượng, tổ chức lại hệ thống losgistics và vận tải…”, ông Lương Quang Khải nói.
Chủ tịch VICEM cũng nhấn mạnh rằng “bảo vệ môi trường trước hết là làm cho mình”. VICEM coi môi trường là yếu tố bắt buộc để xem xét trong mọi hành động, trong toàn bộ quy trình công nghệ, các hệ thống giám sát. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có 2 sự cố môi trường tại miền Trung, hiện đã cơ bản khắc phục xong.
Lưu ý của các chuyên gia
Tham gia đoàn công tác, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đều đặt vấn đề cho rằng VICEM cần đánh giá kỹ xem về kết quả đạt được, “thành công đạt được là so với cái gì, so với ai”, nhìn nhận rõ về những tồn tại, hạn chế trong hoạt động. Đáng lưu ý, TS Nguyễn Đình Cung góp ý rằng báo cáo của VICEM vẫn mang “dáng dấp của kế hoạch hóa tập trung, trong khi số liệu về sản lượng rất nhiều mà số liệu về tài chính rất ít”.
“Tôi cho rằng trong năm nay và những năm tiếp theo, tăng trưởng của nền kinh tế không phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn, mà nhờ tăng năng suất, hiệu quả, nhờ cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước phải là một động lực nhờ nâng cao hiệu quả và tôi tin là chúng ta làm được. Các doanh nghiệp nhà nước có dư địa rất lớn để tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng chung, nhưng phải dựa vào giá trị gia tăng, vào tăng năng suất, hiệu quả chứ không phải sản lượng, thể hiện qua lợi nhuận và tiền lương của người lao động chứ không phải tăng bao nhiêu sản lượng hay bán rẻ tài nguyên”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Chủ tịch VICEM Lương Quang Khải nhấn mạnh mục tiêu không tăng sản lượng tràn lan mà phải tăng giá trị gia tăng và hiệu quả. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nghe các ý kiến, phản hồi góp ý của TS Nguyễn Đình Cung, Chủ tịch VICEM Lương Quang Khải khẳng định Tổng công ty đang phấn đấu đạt tương đương với các tập đoàn xi măng lớn của khu vực. “Ngay tại trụ sở đây, có thể kiểm soát bất cứ nhà máy nào qua hệ thống máy tính. Hệ thông quản trị của chúng tôi cũng tương đương với các tập đoàn xi măng lớn”, ông Khải khẳng định và nhấn mạnh mục tiêu không tăng sản lượng tràn lan mà phải tăng giá trị gia tăng và hiệu quả.
Một ví dụ được đưa ra là VICEM đã đưa các phụ liệu như tro bay, xỉ… vào nguyên liệu sản xuất, từ đó giảm hơn 20% lượng clinker dùng để sản xuất xi măng. Cứ thêm 10% phụ gia thì tăng được sản lượng xi măng khoảng 2 triệu tấn và giảm giá thành được một nửa.
“Trong 4 năm qua, VICEM không tăng giá, sản lượng chỉ tăng nhẹ, doanh số cũng không tăng nhưng lợi nhuận tăng trưởng 20% mỗi năm, dù có năm riêng chi phí cho than đã tăng thêm 450 tỷ đồng”, ông Khải thông tin và cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến để doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Bùi Hồng Minh cũng cho biết doanh nghiệp quyết tâm sẽ biến lời nói thành hành động, phấn đầu tăng năng suất từ 5-7% trong năm nay.
Cần cổ phần hóa bằng mọi biện pháp tích cực nhất
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết trong 18 nhiệm vụ được giao từ đầu năm 2017 tới nay, VICEM đã hoàn thành 16 nhiệm vụ, còn 2 nhiệm vụ đang thực hiện. “Trong đó, cần thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa, tái cơ cấu bằng mọi biện pháp tích cực nhất”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tổng công ty phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Muốn nâng năng suất lao động thì phải đẩy mạnh tự động hóa, quản trị tốt. Bộ trưởng nhắc lại ví dụ, để sản xuất 3,6 triệu tấn xi măng, một doanh nghiệp của Tổng công ty cần tới 1.500 lao động, trong khi một công ty liên doanh chỉ cần hơn 1.000 lao động, tiết kiệm được 433 người.
Ngành xi măng mà trụ cột là VICEM phải xây dựng kịch bản tăng trưởng, trong đó các gợi ý của Thủ tướng và ý kiến các chuyên gia, Tổ công tác chính là các nhóm giải pháp căn cơ, căn bản.
Cùng với đó, tham mưu với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng chiến lược phát triển ngành xi măng. Hiện nay, Tổng công ty đang chiếm khoảng 35% trong thị phần 90 triệu tấn xi măng của Việt Nam. Các công ty liên doanh với VICEM cũng chiếm khoảng 26-27% thị phần. Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành xi măng khoảng 110 triệu tấn, nếu VICEM đi đầu, đóng vai trò nòng cốt trong đổi mới, ứng dụng công nghệ, quản trị tốt thì tốt thì sẽ có thương hiệu tốt hơn.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng cho rằng phải thay đổi cơ cấu sản xuất, chẳng hạn hiện đang xuất khẩu theo tỷ lệ 70% clinker, 30% xi măng thành phẩm thì phải đảo ngược lại, thậm chí mua cả clinker để sản xuất xi măng. Rồi nếu giá xi măng xuất khẩu chỉ rẻ bằng một nửa của Indonesia hay Philippines trong khi chất lượng tốt thì phải tính toán lại xem thế nào…
Tổ trưởng Tổ công tác đồng ý với ý kiến của các chuyên gia là việc tăng sản lượng phải đi đôi với hiệu quả, nâng giá trị gia tăng, vì lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và lợi ích quốc gia.
“Như Thủ tướng đã chỉ đạo là không tăng sản lượng dầu thô vì tăng trưởng nếu giá dầu thấp. Tăng trưởng phải bền vững, hiệu quả. Không lấy sản lượng làm mục tiêu mà phải bảo đảm hiệu quả cuối cùng”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Tổ công tác sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của VICEM và ngành xi măng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là không thu hút đầu tư bằng ưu đãi mà chủ yếu phải bằng môi trường kinh doanh tốt, đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp tư nhân luôn đổi mới rất mạnh mẽ, như trong ngành xi măng, tôi biết nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chở xi măng tới từng nhà ở quê, chở ra tận cánh đồng để làm đường nông thôn mới… Từ các gợi ý của Thủ tướng, cộng với quyết tâm của Tổng công ty, VICEM phải có chiến lược, sản phẩm, cách làm khác biệt để tạo đột phá”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Theo Hà Chính (Chinhphu.vn)