QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU THUẾ KINH DOANH VẬN TẢI:
Bắt đầu ngay từ khâu... kiểm định
Bài toán quản lý và chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đã được bàn thảo nhiều thời gian qua, nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để. Quy chế phối hợp giữa ngành Thuế và ngành GTVT tỉnh đã mở hướng giải quyết vấn đề này.
Ngày 29.1.2018, Quy chế 188/QCPH-CT-SGTVT về việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa Cục Thuế tỉnh và Sở GTVT chính thức ra đời, được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô trên địa bàn tỉnh.
Bến xe khách Quy Nhơn.
Đòi hỏi từ thực tế
Tính từ năm 2016 đến nay, nhiều giải pháp đã được một số địa phương chủ động triển khai. Đầu năm 2017, Chi cục Thuế (CCT) huyện Phù Mỹ tiến hành lập bộ quản lý thu thuế KDVT, kết quả còn 112 hộ kinh doanh, giảm 255 hộ so với năm 2010. Đối với các chủ phương tiện “núp bóng” chạy hợp đồng, CCT huyện gửi xác minh thông tin đến CCT mà các DN có hợp đồng để kiểm tra kê khai, đăng ký thuế và báo cáo về Cục Thuế tỉnh. Với phương tiện nằm ngoài danh sách, dẫn đến mất công bằng trong quản lý thuế, UBND các xã, thị trấn rà soát để xử lý, cưỡng chế các chủ phương tiện cố tình chây ì, không chấp hành nộp thuế.
Dù vậy, ông Đỗ Quang Thọ, Chi cục trưởng CCT huyện Phù Mỹ cho rằng, muốn chống thất thu thuế KDVT hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, ngành liên quan. Quy chế 188 ra đời là cơ sở cho công tác quản lý thuế KDVT chặt chẽ hơn.
Tại Quy Nhơn, năm 2017, khi đưa lĩnh vực KDVT vào đề án chống thất thu ngân sách của UBND thành phố, CCT địa phương đã ban hành thông báo yêu cầu giải trình định mức tiêu hao nguyên vật liệu đến các DN vận tải; qua đó thu được gần 20 tỉ đồng từ thuế KDVT; qua khai thác, tiếp tục tăng thu hơn 3,3 tỉ đồng. Song, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chi cục trưởng CCT TP Quy Nhơn, cho rằng vấn đề quan trọng nhất là phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước ngay từ khâu đăng ký, kiểm định đối với từng phương tiện hoạt động kinh doanh, thì mới có thể quản lý thuế. Do đó, cần có sự phối hợp của các ngành trong công tác quản lý phương tiện vận tải.
Quản lý thuế từ khi kiểm định xe
Dù số thu tác động không lớn đến tổng thu ngân sách từ thuế, nhưng theo đánh giá của ngành Thuế tỉnh, công tác quản lý thuế KDVT tư nhân khá phức tạp. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng xe không đăng ký kinh doanh, không đăng ký kê khai nộp thuế; một số DN, HTX, hộ KDVT kê khai doanh số chưa sát, hoặc thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế, chây ì, nợ đọng thuế.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phạm Ngọc Hải cho rằng, thực hiện Quy chế 188 là điều kiện quan trọng để ngành Thuế triển khai nghiệp vụ về thuế, tăng thu ngân sách, các ngành tập trung khai thác chống thất thu. Đến cuối tháng 3 này, Cục Thuế tỉnh đã cung cấp cho Sở GTVT danh sách 198 phương tiện của các đơn vị KDVT còn nợ đọng 1 tỉ đồng tiền thuế, bao gồm các cơ sở đang kinh doanh, chưa đăng ký thuế, đã chấm dứt hoạt động, hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh.
Theo quy chế, định kỳ ngày 20 hằng tháng, cơ quan Thuế cung cấp danh sách các phương tiện vận tải của cá nhân có KDVT nhưng còn nợ đọng thuế; thông tin về tình trạng hoạt động như: thời gian tạm ngừng kinh doanh, thời gian chấm dứt hoạt động kinh doanh cho cơ quan đăng kiểm và yêu cầu cơ quan này cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định, không thực hiện kiểm định cho đến khi cơ quan thuế có văn bản đã xử lý xong việc nộp thuế, đăng ký thuế.
Ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho hay, Sở chỉ đạo phòng chuyên môn cung cấp theo đề nghị của cơ quan thuế danh sách các đơn vị đã được cấp giấy phép KDVT, phù hiệu đã cấp cho phương tiện vận tải và danh sách các xe mang biển kiểm soát của tỉnh Bình Định chuyển đến hoạt động KDVT tại các DN, HTX vận tải thuộc quản lý của tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, Sở chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm phối hợp, hỗ trợ theo đề nghị của cơ quan thuế trong việc kiểm soát chấp hành nghĩa vụ thuế của chủ phương tiện khi thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện.
Theo ông Phạm Đại Lâm, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy, bộ Bình Định (Sở GTVT), với danh sách gần 200 phương tiện như Cục Thuế tỉnh thông tin là khá lớn, nên buộc phải làm cảnh báo trên toàn quốc để có sự thống nhất giữa các địa phương, tránh tình trạng làm chặt ở nơi này thì các chủ phương tiện lại đến các địa phương khác để đăng kiểm. Trung tâm đã báo cáo Cục Đăng kiểm để thống nhất trên toàn quốc.
Thông tin từ Sở GTVT, Sở đang quản lý 33 đơn vị (21 DN, 12 HTX), với 520 đầu xe kinh doanh vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Về vận chuyển hành khách theo hợp đồng, có 30 đơn vị tham gia (19 DN, 10 HTX, 1 hộ kinh doanh), tổng số 280 phương tiện.
Tổng phương tiện hoạt động vận tải hàng hóa trong diện quản lý của ngành GTVT tỉnh là 18.583 xe, trong đó có 1.260 xe container, 17.323 phương tiện xe tải khác.
MAI HOÀNG