Nhát lược
Thời còn trẻ, bà hay búi tóc tròn phía sau đầu. Cả một lọn tóc dài được bà quấn chặt trong lòng bàn tay rồi sau đó cuộn lại thành búi. Tóc bà nhiều, dài nên búi tóc to và chắc. Có lúc bà nằm gối đầu lên búi tóc mà không cần đến những chiếc gối.
Mỗi lần nhìn bà búi tóc, tôi lại thấy thích thú. Tóc tôi ngắn ngủn chỉ cuộn mỗi hai bận là xong không tài nào cuốn lại được. Thế là tôi giành búi tóc cho bà. Cầm chiếc lược chải cho tóc bà thật suôn, vuốt tóc bà thật đều, nhìn bà làm nhiều lần nên thao tác của tôi cũng khá chuyên nghiệp. Nhưng, đến thao tác quan trọng nhất là cuốn lận cho tóc phải từ trong ra ngoài thành búi thì tôi không tài nào làm được. Chỉ sau hai, ba lần không được, tôi đã bắt đầu nản. Bà hiểu ý, đưa tay búi lại tóc một lần nữa cho tôi xem rồi mỉm cười: “Thấy vậy chứ cũng khó lắm cháu ạ!”.
Rồi tự bao giờ mái tóc dài óng mượt ngày xưa của bà đã ngả màu mây, sợi đen dần nhường chỗ cho những sợi trắng. Bà vẫn chăm sóc tóc rất cẩn thận, nâng niu nó như một phần cuộc sống. Bà hay nói: “Người xưa bảo cái răng cái tóc là vóc con người, nên phải sửa sang cho cẩn thận”. Chiếc lược thưa trên tay bà lần lượt đưa quanh mái tóc lên, xuống, qua lại, rồi chạy thẳng xuống ngọn tóc cuối cùng. Bà đưa tay nhẹ lắm mà sao sau mỗi nhát lược vẫn có vài sợi trắng vương vào những chiếc răng thô kệch.
Tôi bên bà từ nhỏ, từ khi còn mái tóc ngắn củn cỡn như con trai. Khi ấy, bà thường mua bồ kết về nấu cho tôi gội đầu. Bà bảo không thứ chi gội đầu mà tóc đen mượt bằng bồ kết cả. Bồ kết được bà nướng chín, giã nhỏ, đun sôi với nước sau đó đem lọc sạch, để nguội rồi gội đầu cho tôi. Nước bồ kết vàng nâu thoang thoảng hương thơm, hơi cay cay ran rát khi chảy vào mắt. Sau mỗi lần gội xong lại thấy da đầu man mát, tóc mượt suông tay. Vậy mà từ lâu tôi cũng đã không dùng nó để gội đầu, vì đi học ở thành phố không có thời gian để làm nồi nước công phu đó. Vì thế mà mỗi khi nhắc đến lại thấy nhớ cái hương của thứ quả ấy.
Bước sang tuổi hai mươi, tôi biết ngắm mình trong gương, và cũng khi đó tôi mới thật sự hiểu được vai trò của mái tóc đối với người con gái. Nhớ lại chuyện khi tôi 16 tuổi, bị bà mắng một trận vì cái tội đua đòi cắt tóc kiểu. Mớ tóc dài bị cắt tỉa mỏng từ trên xuống dưới, lưa thưa, xơ xác. Thế là phải mất một năm cho tóc dài ra. Cứ thế, mỗi lần về quê bà tôi lại nhìn xem tôi có thay đổi gì không, đặc biệt là mái tóc…
Quê tôi đang những ngày nắng vàng ươm trải dài khắp nơi. Tôi ngồi chải tóc. Như thường lệ và không kể thời gian, không gấp gáp, không vội vàng như những hôm đi học. Chiếc lược dày uốn mình qua mái tóc dài thiếu nữ đôi mươi. Nơi bậc thềm thoáng bóng những người phụ nữ lướt qua với những mái đầu xanh, đầu bạc.
NGUYỄN THỊ THANH NHI