“Tứ trụ” để xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh
Ðại hội XII của Ðảng đã xác định nội dung quan trọng trong xây dựng Ðảng là: “Tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Các nội dung đó được khái quát thành 4 trụ cột trong xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh.
Đảng ta chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Đây là một trong mười nội dung quan trọng được đặt ở vị trí hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, nhằm bảo đảm cho Đảng luôn giữ vững bản chất cách mạng, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, nhiệm vụ thường xuyên của từng tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên là phải kiên định lập trường tư tưởng chính trị, nắm vững quan điểm của Đảng và vận dụng phù hợp, đem lại hiệu quả cao.
Thứ hai, Đảng ta xác định rõ vị trí quan trọng, vai trò to lớn của công tác tư tưởng, lý luận trong xây dựng Đảng là tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động. Do vậy, phải tăng cường tuyên truyền cổ vũ, động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực. Cần căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà có kế hoạch tiến hành công tác tư tưởng nhằm tạo sự thống nhất, nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, với quyết tâm chính trị cao, đem lại hiệu quả tốt nhất. Đồng thời với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, phải đấu tranh phản bác các quan điểm tư tưởng sai trái, lệch lạc, xuyên tạc đường lối của Đảng, nhất là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo 27 nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã đề ra.
Thứ ba, xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức bằng việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chặt chẽ về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả lãnh đạo quản lý, điều hành. Đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với giảm biên chế, tinh gọn đầu mối với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Thứ tư, xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức. Nếu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp không chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thì khó tránh khỏi suy thoái đạo đức. Vì vậy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà cán bộ, đảng viên cam kết để nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai sót, là việc làm có ý nghĩa thiết thực, tích cực nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên rèn luyện tốt phẩm chất đạo đức; đồng thời phải: “kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”.
NGUYỄN BÁ TRÀ