Nhiều thách thức mới trong phòng chống lao
Dù công tác phòng chống lao ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng; sự kỳ thị của cộng đồng đối với bệnh nhân lao vẫn còn cao. Ðặc biệt, sự trẻ hóa bệnh nhân lao, trong đó có cả đối tượng trẻ em đang đặt công tác phòng chống lao trước nhiều thách thức mới.
Có nhiều bệnh nhân lao là trẻ em!
Năm 2016, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh (Bệnh viện L&BP tỉnh) khám 15.826 người, thu nhận điều trị lao các thể 1.443 bệnh nhân, lao phổi dương tính 641 bệnh nhân; đáng lo là có tới 23 bệnh nhân lao là trẻ em. Năm 2017, Bệnh viện tiếp nhận 13.019 người đến khám, thu nhận điều trị lao các thể là 1.215 bệnh nhân, lao phổi dương tính có 593 bệnh nhân, trong đó có 24 trẻ em. Quý 1.2018, có hơn 3.230 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, trong đó số bệnh nhân thu nhận điều trị lao các thể là 251 bệnh nhân, trong đó có 4 bệnh nhân lao trẻ em và 91 bệnh nhân lao phổi dương tính.
Bác sĩ Trần Thị Vỹ- Khoa Khám - Cấp cứu - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện L&BP tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân.
Theo dõi diễn biến số lượng, có thể thấy, số bệnh nhân lao có giảm, nhưng bệnh nhân trẻ em tăng nhiều. Cùng với đó, hiện tượng ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân lao là thanh niên, trong độ tuổi lao động là vấn đề đáng lo ngại.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Chánh- Trưởng Khoa Khám-Cấp cứu- Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện L&BP tỉnh) chia sẻ: “Lúc trước Khoa chúng tôi chỉ tiếp nhận các ca lao người già, người lớn từ 55 tuổi trở lên. Vài năm gần đây, chúng tôi phải tiếp nhận một số ca là trẻ em, thanh niên. Các trường hợp này, phần lớn đã biến chứng nặng, tràn khí 2 bên màng phổi. Hiện tượng này có nguyên nhân chính là do các em sinh hoạt không điều độ, phá sức, nghiện thuốc lá, ma túy, suy giảm miễn dịch dẫn tới nhiễm lao. Do chưa đủ điều kiện hỗ trợ điều trị lao tại bệnh viện, nên với các ca lao dưới 15 tuổi, chúng tôi chuyển về các cơ sở y tế trong tỉnh và trạm y tế để phối hợp điều trị!”.
Tăng cường truyền thông để cộng đồng hợp tác tốt
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 159 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác chống lao. Mạng lưới chống lao bao phủ 100% và hoạt động đều ở 159 xã, phường trong tỉnh. Tuy nhiên, số trẻ tham gia đăng ký sàng lọc và dự phòng còn rất thấp, trong đó có một số xã chưa thực hiện ghi chép vào sổ quản lý lao trẻ em. Mặt khác sự kỳ thị của cộng đồng đối với bệnh lao khiến việc phát hiện các ca bệnh mới, bệnh nhân lao điều trị bệnh tại nhà gặp trở ngại, không kịp thời, điều trị kéo dài, giảm hiệu quả.
Y sĩ Nguyễn Văn Nhã - Phó trưởng Trạm Y tế phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Tôi công tác tại Trạm đã 25 năm. Năm nay lần đầu tiên phường xuất hiện trường hợp bệnh lao nhi. Chúng tôi tích cực vận động gia đình, phối hợp điều trị, nhờ vậy, sau 3 tháng tham gia điều trị, bé đã tăng cân trở lại từ 33 kg lên 38 kg. Hiện nay, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh. Bà con mình chỉ quan tâm điều trị bệnh, ít để ý phòng bệnh. Người mắc bệnh lao lại dễ bị xa lánh, kỳ thị nên rủi bị mắc phải, người mắc bệnh cố giấu, khó kiểm soát!”.
Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Châu Văn Tuấn- Giám đốc Bệnh viện L&BP tỉnh chia sẻ: “Hiện nay, công tác phòng chống lao của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, như: thiếu người; thủ tục hành chính ràng buộc cũng còn nhiều, ảnh hưởng đến chương trình phòng chống lao; các trường hợp trẻ em mắc bệnh lao rất khó kiểm soát… Để tầm soát bệnh lao tốt hơn, năm nay chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đoàn khám lưu động xuống các phường, xã trong tỉnh; tăng cường truyền thông để cộng đồng hợp tác tốt hơn trong phòng chống bệnh lao”.
“Ðể nhận biết dấu hiệu trẻ có bị nhiễm lao hay không, người nhà nên chú ý một số dấu hiệu lâm sàng, như: trong nhà có người nghi nhiễm lao, có tiền sử về bệnh lao không, nếu có thì nguy cơ mắc bệnh của trẻ sẽ cao; trẻ không tăng cân theo biểu đồ cân nặng của trẻ em; trẻ em bị các bệnh về đường hô hấp, điều trị nhiều về kháng sinh, bệnh vẫn tái đi tái lại; trẻ chán ăn. Những dấu hiệu sớm nghi nhiễm lao ở trẻ là trẻ ho nhiều, hay sốt về chiều, ho ra máu…. Khi phát hiện trẻ có một trong những dấu hiệu, người nhà nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để tầm soát bệnh lao!”.
Thạc sĩ- Bác sĩ CK2 CHÂU VĂN TUẤN- Giám đốc Bệnh viện L&BP tỉnh
LÊ DUYÊN