Ôn thi THPT quốc gia môn Ngữ văn: Xâu chuỗi kiến thức, rèn kỹ năng làm bài
Theo lưu ý của Bộ GD&ÐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nội dung thi môn Ngữ văn sẽ có thêm phần kiến thức của chương trình lớp 11. Ðể kịp thời định hướng giáo viên cách ôn thi hiệu quả, Sở GD&ÐT vừa tổ chức hội thảo hướng dẫn học sinh ôn thi và làm đề mô phỏng theo đề minh họa của Bộ để các trường tham khảo.
Xâu chuỗi kiến thức, tỉ lệ vận dụng cao
Những vấn đề được chú trọng định hướng tại hội thảo năm nay là sự xâu chuỗi kiến thức Ngữ văn giữa lớp 11 và lớp 12; đồng thời, ôn tập cho học sinh theo ma trận tăng thêm tỉ lệ phần vận dụng nhằm giúp các em đáp ứng yêu cầu phân hóa cao của đề thi năm nay.
Cô Đặng Thị Thu Mai, giáo viên dạy Ngữ văn Trường PTDTNT tỉnh thường giới thiệu thêm phần kiến thức lớp 11 liên quan đến những bài giảng hàng ngày ở các lớp 12.
Thầy Võ Công Trí - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, các giáo viên dự hội thảo chia thành 12 nhóm, mỗi nhóm làm 1 bộ đề mô phỏng theo đề thi minh họa của Bộ, rồi cử người trình bày để hội thảo góp ý chỉnh sửa. Sau đó, nhóm sẽ hoàn thiện lại đề mô phỏng, gởi ban tổ chức hội thảo tập hợp và chuyển cho tất cả các trường làm tư liệu ôn tập. “Cả 12 bộ đề này đều có phần xâu chuỗi kiến thức và tỉ lệ vận dụng cao, đảm bảo việc định hướng kịp thời và hỗ trợ tích cực cho giáo viên trong công tác ôn thi”, thầy Trí trao đổi.
Theo nhiều giáo viên dạy Ngữ văn lớp 12, cùng với kiến thức được thầy cô giáo trang bị, với kiểu ra đề ngày càng theo hướng mở, học sinh rất cần được hướng dẫn và rèn luyện những kỹ năng làm bài. Cô Đỗ Thị Mỹ Chi, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Diêu, cho biết: “Đó là những kỹ năng: phát hiện, nhận diện, xử lý đề. Có được những kỹ năng cần thiết ấy, khi tiếp cận với bất kỳ dạng đề thi nào, các em cũng có thể tìm ra hướng làm bài”.
Cũng theo định hướng của Sở, việc ôn thi THPT quốc gia cần được các giáo viên linh hoạt áp dụng sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh khác nhau. “Với học sinh có học lực khá, giỏi, giáo viên chú trọng rèn kỹ năng xử lý các câu hỏi vận dụng, giúp các em có được điểm số cao. Còn với số học sinh có học lực yếu hơn thì thầy cô nên chú trọng nhiều vào phần đọc hiểu văn bản, nhận diện văn bản”, cô Chi trao đổi.
Lên kế hoạch học ôn
Song song với việc tiếp thu kiến thức ở lớp, để việc ôn thi đạt hiệu quả như mong muốn, mỗi học sinh cần có kế hoạch học ôn của chính mình một cách khoa học, bài bản.
Theo một số giáo viên có thâm niên dạy ôn thi, học sinh phải rèn kỹ năng đọc hiểu, trang bị kiến thức xã hội và nắm chắc cách làm bài đã học ở lớp. Cô Đặng Thị Thu Mai, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Lịch sử - Giáo dục Công dân Trường PTDTNT tỉnh, đưa ra lời khuyên: “Học sinh cần dành thời gian kiểm tra lỗi chính tả, cách đặt dấu câu, dùng từ, vì nếu sai chính tả từ 3 lỗi trở lên sẽ bị trừ tối đa đến 0,5 điểm. Hãy rèn cách viết bài văn nghị luận theo kết cấu đã quy định và cách phân bổ thời gian làm bài hợp lý cho từng yêu cầu trong đề”.
Những ngày qua, cô sinh viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Quy Nhơn Lê Viễn cứ bồi hồi nhớ lại quãng thời gian học ôn thi THPT quốc gia môn Ngữ văn. Nhờ có kế hoạch ôn tập hiệu quả mà cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Du (huyện Hoài Nhơn) đạt được 9,5 điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Chia sẻ về phương pháp học ôn, Lê Viễn cho rằng đầu tiên phải nắm hết tất cả các nội dung chính trong các tác phẩm đã học, sau đó mới bắt đầu tìm hiểu sâu những vấn đề liên quan xung quanh đến tác phẩm để có thể liên hệ mở rộng. Hãy soạn kiến thức theo từng mảng như mảng văn học hiện thực phê phán, thơ mới, các tác phẩm về tình yêu, đất nước, con người…“Trong mỗi mảng chủ đề, tôi chọn cho mình một cách mở bài chung, sau đó dẫn đến từng tác phẩm riêng. Việc này giúp tôi tiết kiệm thời gian cho phần mở đầu của bài làm nghị luận văn học”, Lê Viễn cho biết.
Với câu nghị luận xã hội, cô sinh viên giỏi khuyên học sinh lớp 12 phải nắm vững 3 dạng đề chung. Phần mở đoạn phải thật ngắn gọn, súc tích nhưng phải làm rõ được chủ đề. Trong quá trình làm bài, các học sinh lưu ý lấy nhiều dẫn chứng trong thực tế xã hội và trong văn học, sau đó liên hệ với bản thân. “Trong giai đoạn học ôn, tôi đã giải nhiều đề trong sách luyện thi và trên mạng. Giải nhiều như vậy sẽ giúp mình nhớ được nhiều ý…”, cô sinh viên giỏi chia sẻ thêm.
NGỌC TÚ