“Thu giá” là... thu cái gì?
Hiện nay, khi qua các trạm BOT, ta dễ dàng bắt gặp các cụm từ “trạm thu giá”, “làn thu giá”. Vậy, “thu giá” là gì?Trước đây, từ được dùng là “thu phí”. Từ ngày 1.1.2017, từ này được thay bằng khái niệm “thu giá”. Theo Bộ GTVT, cả hai khái niệm này có cùng một nội hàm, đều chỉ việc thu phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho các dự án BOT giao thông.
Xét về mặt ngôn ngữ học thì “thu phí” và “thu giá” lại hoàn toàn khác nhau và “thu giá” là một thứ “quái thai” của ngôn ngữ. Cả “thu phí” và “thu giá” đều là những từ được tạo thành bởi các thành tố có nguồn gốc Hán. Trong đó, “thu” (bộ phộc) có nghĩa là “gom về, lấy về”; “phí” (bộ bối) được Việt hóa hoàn toàn với nghĩa như trong các từ lệ phí, chi phí; “giá” (bộ mãi hoặc bộ nhân) cũng được Việt hóa tương tự, có nghĩa trong các từ giá cả, giá hàng, giá bán. “Thu phí” có thể hiểu là “thu tiền lệ phí”. Còn “thu giá” là… “thu về giá cả, giá bán”. Trong “thu giá”, vật được thu là “giá cả”, “mức giá” (chứ không phải là tiền). “Giá” hay “giá cả” là một khái niệm trừu tượng. Cái mà các trạm BOT muốn thu là tiền phí sử dụng đường bộ (tức cái cụ thể), chứ không phải thu giá bán (cái trừu tượng). Nếu dùng từ “thu giá” thì đó là thu cái gì và thu như thế nào, đố mà hình dung được.
Rõ ràng, “thu giá” thì là một từ sai về logic ngữ nghĩa.Việc sử dụng khái niệm “thu giá” gây thắc mắc không nhỏ đối với hầu hết mọi người. Bởi đây là một từ hoàn toàn xa lạ. Đó là chưa kể từ này sai về phương thức tạo từ và vô nghĩa…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Đây là sự mị dân trắng trợn, chẳng coi ai ra gì. Từ này vô nghĩa
Độc giả BBĐ như tôi xin gửi lời cảm ơn đến Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ về bài viết của anh đã nói lên tiếng nói cần thiết để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Trong cuộc sống thường ngày hiện nay ở nước ta, xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng dùng sai từ ngữ, ngữ pháp, chính tả của tiếng Việt. Đặc biệt là trên các băng-rôn, biểu ngữ, bảng quảng cáo treo ngoài trời, trên các báo điện tử khiến nhiều người yêu tiếng Việt như tôi cảm thấy bức xúc, vì điều đó làm ảnh hưởng đến người đọc, người xem, người nhìn thấy chúng, nhất là làm sai lệch nhận thức chuẩn về tiếng Việt của các em học sinh. Tôi lấy ví dụ như: băng-rôn quảng cáo bánh trung Thu thì họ in là " bánh trung thu". Viết như vậy là sai chính tả, vì trong tiếng Việt chúng ta quy định các mùa trong năm phải viết hoa, như: mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông. Các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cũng phải viết hoa, nhưng có nơi lại viết bằng chữ thường, như: Bến xe phía nam. Viết như vậy là sai. Rất tiếc là hiện nay tình trạng viết sai chính tả ngày càng nhiều, câu cú, khẩu hiệu treo ngoài trời viết rất tối nghĩa... nhưng các cơ quan nhà nước chuyên ngành về văn hóa lại thiếu quan tâm, chấn chỉnh về tình trạng đó đối với các tổ chức, cá nhân khi họ được cấp phép quảng cáo ngoài trời. Mỗi người dân chúng ta cần góp ý, nói lên tiếng nói như anh Phạm Tuấn Vũ để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Xin cảm ơn anh !