Thấy gì từ PAPI 2017?
Các đại biểu tham gia sự kiện công bố kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 ngày 4.4 tại Hà Nội cho rằng chính quyền từ Trung ương đến địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện hiệu quả quản trị, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Thu Lê
Tại Hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi mức độ quan tâm của các địa phương với báo cáo PAPI 2017 tăng tích cực. “Khi có kết quả PAPI 2017, nhiều địa phương đã tổ chức các hội thảo trao đổi, thảo luận về các nhóm chỉ số và cách thức cải thiện chỉ số đó, cho thấy họ ngày càng chủ động trong việc cải thiện hiệu quả quản trị và cải cách hành chính công”.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Kết quả khảo sát PAPI 2017 cho thấy xu thế vừa đáng khích lệ vừa đáng lo ngại. Đặc biệt đáng chú ý là xu thế đảo chiều ở chỉ số ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ theo hướng khá hơn sau một thời gian dài trượt dốc từ năm 2013. Người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng”.
Cụ thể, chỉ có 17% người dân cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm so với tỉ lệ 23% của năm 2016; tỉ lệ này giảm từ 17% xuống còn 9% vào năm 2017 đối với việc người dân cho biết phải hối lộ các nhân viên y tế.
Tuy nhiên, theo ông Kamal Malhotra, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012. “Điều này cho thấy mặc dù có những thay đổi theo hướng tích cực, các cơ quan hữu quan vẫn còn nhiều việc phải làm để phòng ngừa tham nhũng và bảo đảm những phát hiện của Khảo sát PAPI năm 2017 không chỉ là sự cải thiện tạm thời mà báo hiệu xu hướng đảo chiều có hệ thống sau một thời gian dài liên tục giảm đáng lo ngại”.
TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES. Ảnh: VGP/Thu Lê
Đồng quan điểm này, TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, trong 6 chỉ số có 5 nội dung có sự tiến bộ nhẹ so với năm 2016, tuy nhiên nếu so với năm 2012 - năm bắt đầu khảo sát PAPI thì hầu như không có nhiều thay đổi. “Nghĩa là trong 5 năm qua, hiệu quả quản trị và hành chính công có sự ‘trồi sụt’, không ổn định, vì vậy phải chờ đợi thời gian tới xem xu hướng cải thiện tích cực này có tiếp tục hay không, hay chỉ là tức thời”, ông Đặng Hoàng Giang nói.
Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng: “Sự minh bạch thông tin, đặc biệt là thông tin đất đai đang ‘rất có vấn đề’, cụ thể chỉ 15% người dân biết được kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình. Trong khi Pháp lệnh Dân chủ cơ sở nói rằng người dân cần phải được biết hết. Đây là vấn đề nổi cộm tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa thấy có sự tiến bộ nào cả”.
Báo cáo PAPI 2017 cũng cho biết, khi được hỏi về vấn đề cần Nhà nước ưu tiên giải quyết, 28% người trả lời chọn nghèo đói là vấn đề họ quan ngại nhất. Cao thứ nhì là tăng trưởng kinh tế và thứ ba là việc làm.
Lý giải điều này, TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng, mặc dù đời sống, thu nhập tăng lên nhưng nhiều người vẫn đang sống trong tình trạng có thể rơi trở lại nhóm nghèo hơn vì các chính sách an sinh của chúng ta đang có sự “không chắc chắn”, có thể bị phá hủy bởi thiên tai, các dự án sắp được triển khai… Khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên cũng dẫn đến sự bất an, lo lắng về nghèo đói.
Vốn được chọn là vấn đề cấp thiết thứ 2 trong năm 2016, đến năm 2017 môi trường xuống vị trí thứ 4. Nhưng số người quan ngại về môi trường lại tiếp tục gia tăng kể từ năm 2015.
Khảo sát năm 2017 cũng nghiên cứu sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Kết quả cho thấy đa số người dân, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao, không muốn đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.
“Tôi nghĩ đây là một hồi chuông cảnh tỉnh với chính quyền các cấp của Việt Nam cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định, chính sách. Qua rồi cái thời chúng ta đồng ý với việc tăng trưởng bằng mọi giá. Hiện giờ, việc bảo vệ môi trường rất quan trọng, người dân không chấp nhận cho các nhà máy, tập đoàn vào đầu tư nếu như có sự trả giá về môi trường”, TS. Đặng Hoàng Giang cho biết.
Ông Giang khuyến nghị, các địa phương hãy nhìn thật kỹ vào chỉ số PAPI của mình. Từ đó, đưa ra những kế hoạch để cải thiện các chỉ số. “Không những hành động cụ thể mà phải có người chịu trách nhiệm, nguồn ngân sách cụ thể để thực hiện điều đó. Nếu chỉ dừng lại ở các công văn, chỉ đạo chung chung thì sẽ rất khó cải thiện”.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đạt 39,52 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong PAPI 2017 cho biết, trên 6 tiêu chí lớn, có 3 tiêu chí Bến Tre tiến bộ khá nhiều so với năm 2016 là “Cung ứng dịch vụ công”, “Thủ tục hành chính công ”, “Kiểm soát tham nhũng”. Các chỉ số còn lại, cơ bản trên mức trung bình khá.
“Bên cạnh PCI và Chỉ số Cải cách hành chính, PAPI cũng là chỉ số Bến Tre rất quan tâm, từ đó đưa ra các kế hoạch hằng năm để khắc phục những hạn chế, phát huy những điểm tốt. Trong năm 2018, Bến Tre sẽ nâng cao trách nhiệm, cải thiện các chỉ số còn chưa đáp ứng nhu cầu trên tinh thần phục vụ nhân dân, lấy con người làm trọng tâm”, ông Lập khẳng định.
Theo Thu Lê (Chinhphu.vn)