Bộ GD-ĐT đề nghị ngăn chặn tình trạng hành hung, xúc phạm danh dự nhà giáo
Cơ quan quản lý giáo dục các cấp tại địa phương và các trường học cần tăng cường công tác tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường và phụ huynh, học sinh, giáo viên để kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và các vướng mắc phát sinh, kịp thời giải quyết thấu đáo với mục tiêu tốt nhất cho học sinh, giáo viên.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học gửi các tỉnh, thành phố.
Theo đó, công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trường học: học sinh bị tai nạn thương tích do điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm; cá biệt còn nhà giáo có hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh. Đặc biệt, tình trạng phụ huynh học sinh vào trường học hành hung, gây thương tích, xúc phạm danh dự nhà giáo, tinh thần và thể chất học sinh. Các sự việc trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo và học sinh, tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tổ chức quán triệt và kiểm tra việc thực hiện thường xuyên quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong trường học; hoàn thiện và thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học; ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ gây mất an toàn; đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho nhà giáo và học sinh trong các cơ sở giáo dục.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân gây mất an ninh, an toàn trường học và công khai kết quả xử lý.
Cùng với đó, cơ quan quản lý giáo dục các cấp tại địa phương và các trường học cần tăng cường công tác tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường và phụ huynh, học sinh, giáo viên để kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và các vướng mắc phát sinh, kịp thời giải quyết thấu đáo với mục tiêu tốt nhất cho học sinh, giáo viên.
Ngoài ra, cần thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường.
Theo PHAN THẢO (SGGP)