Thiếu thợ hồ trầm trọng
Nhu cầu xây dựng ngày càng tăng, kết hợp với mùa cao điểm, các đơn vị thi công, chủ thầu “đỏ mắt” tìm thợ xây. Việc thiếu thợ dẫn đến tiến độ công trình chậm, thời gian xây dựng hoàn thành một ngôi nhà gần gấp đôi so với 3-4 năm trước đây.
Do thiếu thợ, nên các thợ xây phải kiêm nhiều việc từ xây gạch, đến trộn bê tông, đóng cốp-pha. Ảnh: THU DỊU
“Đỏ mắt” tìm thợ hồ
Giữa tháng 3.2018, ông Hoàng Tiến (ở đường Hoàng Văn Thụ, Quy Nhơn) khởi công xây nhà mới, nhưng từ đầu năm 2017, ông đã tìm đến một công ty xây dựng ở TP Quy Nhơn ký hợp đồng xây nhà. “Tôi không rành về xây dựng, cũng không có người giám sát công trình nên chọn một đơn vị uy tín ký hợp đồng xây dựng trọn gói từ tháng 2.2017”, ông Tiến cho hay. Ngôi nhà diện tích 100 m2 của ông Tiến được ký hợp đồng sẽ hoàn thiện trong thời gian đến 7 tháng, trong khi nếu cách đây 3 - 4 năm, công trình này chỉ mất tối đa 4 tháng.
Vốn là kỹ sư xây dựng, anh Trần Văn Dũng (quê ở Tây Sơn) lên ý tưởng xây dựng ngôi nhà vườn, mái kiểu mới. Muốn trực tiếp thi công ngôi nhà của mình, từ khi hoàn thành bản vẽ đến khởi công xây dựng, anh Dũng mất hơn 3 tháng mới tìm được thợ xây. “Đội thợ vốn là của một chủ thầu tôi quen từ hồi còn làm việc trong ngành xây dựng. Mới đầu khởi công, cả thợ và phụ được 10 người, nay chỉ còn 3 - 4 người bám công trình, các thợ khác luân phiên thay đổi công trình; tất nhiên phải kéo dài thời gian hoàn thành, có khi còn gấp đôi so với dự kiến”, anh Dũng than.
Ông Nguyễn Văn Hiền, quê ở Phước Quang, Tuy Phước, thợ cả kiêm chủ thầu, cho biết đội thợ của ông có 10 người. Vào mùa cao điểm xây dựng, ông nhận từ 5-7 công trình nhà tư nhân; nhân công làm việc hết công suất vẫn không đáp ứng được khối lượng công việc. “Thời gian này tôi đang nhận 5 công trình, phải chia quân ra “chạy”, mỗi công trình chí ít có 1 thợ chính và 2 phụ làm việc, một phần để giữ khách, phần giữ được cả thợ. Tôi vừa động viên thợ, vừa thương thảo với chủ nhà để họ thông cảm. Nay tìm thợ hồ khó lắm”, ông Hiền bộc bạch.
Một số chủ thầu xây dựng tâm sự, dù lực lượng thợ xây không đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng nếu chỉ tập trung thi công một ngôi nhà thì sẽ mất những đơn hàng khác cùng lúc; mặt khác, nếu làm xong công trình này mới tìm công trình mới, thợ không có việc làm sẽ theo đội thầu khác. Trước đây, xây hoàn thiện một ngôi nhà 70 - 80 m2, cao 2 - 3 tầng mất khoảng 4 - 5 tháng nếu đủ công thợ, nay phải kéo dài thêm vài ba tháng nữa, bởi nhu cầu xây dựng trong tỉnh ngày càng cao, mà lực lượng thợ xây không tăng.
Anh Trần Văn Đức, một thợ chính trong đội thầu của ông Hiền, nói thêm: Mấy năm nay trong tỉnh có nhiều công trình lớn thi công đồng loạt nên “hút” hết thợ. Các công ty xây dựng tuyển thợ xây vào “đại công trình” như FLC, TMS… với mức lương cao hơn, nhiều đãi ngộ, thu hút rất nhiều thợ trong các đội thầu nhỏ. Làm công trình nhỏ, thợ chính được trả công 280 - 300 ngàn đồng/ngày, thợ phụ thấp hơn thợ chính 40.000 đồng/ngày, còn làm ở công trình lớn thì được nhiều hơn. Những thợ chọn ở lại đội thầu cũ là vì quen biết, phần nữa không bị bó buộc thời gian làm việc như ở các công trường lớn. Họ có thể linh động nghỉ vào mùa vụ, hay khi có việc nhà, giỗ quảy…
Giữ chân thợ: Cần có chính sách đãi ngộ
Qua tìm hiểu ở một số chủ thầu xây dựng, nguyên nhân việc thiếu lao động nghề xây dựng xuất phát từ việc lao động trẻ ở khu vực nông thôn đổ xô vào thành phố tìm việc trong các nhà máy, xí nghiệp…, không còn mấy người theo học nghề này. Thêm nữa, nghề thợ xây vất vả, ngày công lao động không cao hơn so với các nghề khác nên thanh niên không muốn theo nghề.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Công Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Gốc Việt (TP Quy Nhơn) thì tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong ngành xây dựng không chỉ riêng ở Bình Định mà cả nơi khác cũng vậy. Đã nhiều năm nay, các đơn vị xây dựng chọn giải pháp liên kết với nhau hoặc trở thành đối tác của nhau để cùng hoàn thiện công trình. Đặc biệt, các đơn vị đều phải “nuôi” các đội thợ của riêng mình, nhằm duy trì được nguồn nhân lực.
“Để giảm công lao động, công ty chúng tôi đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ một số công đoạn như uốn đai thép, trộn bê tông, căng dây…, tuy nhiên cần phải có bàn tay của người thợ mới hoàn thành. Nếu có những thợ giỏi nghề, công ty sẵn sàng ký hợp đồng lao động, có chế độ đãi ngộ để họ yên tâm làm việc”, ông Nguyên cho hay.
Ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhìn nhận: Đặc thù của thợ hồ làm việc theo mùa vụ, yêu cầu của công trình. Muốn giữ thợ, các đơn vị xây dựng phải đảm bảo được công việc, chế độ lương thưởng ổn định. Thợ xây phải có tay nghề, hoạt động theo quy định. Thực tế các DN xây dựng lớn trong tỉnh như Công ty CP xây dựng 47, Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Kim Cúc… đều có chính sách đãi ngộ để giữ chân thợ. Trong khi đó, các DN xây dựng nhỏ, công việc không ổn định, lương thưởng bấp bênh, không có sức hút với người lao động.
Ông Lê Công Minh, Trưởng khoa Xây dựng Trường CÐ Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ, cho biết: “Trong khoa kỹ thuật xây dựng, có rất ít học viên theo học bộ môn nề (thợ xây), trong khi nhu cầu thị trường rất lớn. Mấy năm nay, nhà trường nhận được nhiều đặt hàng từ các đơn vị xây dựng nhưng không thể đáp ứng, bởi học viên theo ngành này rất ít. Nguyên nhân một phần do tâm lý của bộ phận thanh, thiếu niên ở nông thôn e ngại công việc này nặng nhọc, thu nhập chưa tương xứng với sức lao động bỏ ra”.
THU DỊU