Nhạc phim thời hoàng kim
Khoảng vài năm trở lại đây, nhạc phim không còn là yếu tố phụ mà nghiễm nhiên trở thành một con át chủ bài đối với các ê kíp sản xuất. Thậm chí, nhiều ca khúc trong phim còn vượt ra khỏi ranh giới bộ phim để có đời sống riêng vững chắc.
Jun Phạm vừa là diễn viên chính, vừa là người thể hiện ca khúc chủ đề 100 ngày bên em
Ngập tràn bản hit
Phải đến ngày 27.4 mới chính thức ra rạp, nhưng trước đó cả tháng, ê kíp bộ phim 100 ngày bên em đã tung ra ca khúc chủ đề mang tên Đôi lời (sáng tác Hoàng Dũng) do chính Jun Phạm - người đảm nhận vai nam chính trong phim thể hiện. Hiện MV ca khúc này đã thu hút gần 300.000 lượt xem cùng hàng trăm bình luận tích cực trên YouTube.
Cũng đang chiếm sóng trong danh sách nghe nhạc của các bạn trẻ, không thể không kể đến Tâm sự tuổi 30 - ca khúc chính trong Ông ngoại tuổi 30 do ca sĩ Trịnh Thăng Bình sáng tác, thể hiện, đồng thời cũng là nam chính của dự án. Bản hit này hiện đang thu hút hơn 2,6 triệu lượt xem trên YouTube và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới. Bộ phim còn có 2 ca khúc ấn tượng là Vì yêu là nhớ do Han Sara thể hiện và Đời dạy tôi (sáng tác Nguyễn Phúc Thiện) do Only C đảm nhận.
Dẫn chứng thứ 3, không thể không nhắc album nhạc phim Tháng năm rực rỡ - bộ phim đang đại thắng phòng vé với doanh thu hơn 80 tỷ đồng sau 3 tuần công chiếu. Album nhạc này gồm 7 ca khúc, trong đó 5 sáng tác cũ là Niệm khúc cuối, Kim, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Yêu, Tôi muốn cùng 2 sáng tác lần đầu được trình làng: Rực rỡ tháng năm và Nụ hôn đánh rơi. Trong 7 ca khúc trên có 3 ca khúc gồm: Niệm khúc cuối, Rực rỡ tháng năm và Nụ hôn đánh rơi đã vượt mốc hơn 2 triệu lượt nghe trên YouTube. Các ca khúc còn lại, cũng đạt hàng trăm ngàn lượt nghe.
Ba ví dụ gần nhất nói trên cho thấy sức nóng, tầm quan trọng và độ lan tỏa của nhạc phim và các ca khúc trong phim. Bỏ qua những ca khúc nhạc phim đã trở thành hiện tượng những năm trước đây như Bống bống bang bang, Chờ người nơi ấy, Đi để trở về..., chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, số các bản hit bước ra từ phim không hề ít. Có thể kể đến: Em chưa 18, Yêu là tha thứ, Nơi ta chờ em (phim Em chưa 18); Lạc nhau có phải muôn đời (phim Chờ em đến ngày mai); Ngồi hát đỡ buồn, Cô gái ngày hôm qua (phim Cô gái đến từ hôm qua); Cô ba Sài Gòn, Tân thời (phim Cô ba Sài Gòn); Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Mẹ ơi mai con về (phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa); Cánh hoa tàn (phim Mẹ chồng)...
Khi nhạc phim thăng hạng
“Nhạc phim là một yếu tố quan trọng đối với mỗi bộ phim. Nó góp phần đẩy cảm xúc của người xem, đồng thời có vai trò lớn trong chiến dịch quảng bá phim”, nhà sản xuất - diễn viên Thanh Thúy khẳng định. Đồng quan điểm đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bổ sung: “Âm nhạc góp phần làm nên tiết tấu phim, là hơi thở của phim”.
Cũng bởi mức độ quan trọng đó, theo nhà sản xuất Mai Thu Huyền, trước khi khởi động dự án, việc chọn nhạc sĩ nào làm nhạc phim, ca khúc chủ đề, ca sĩ thể hiện là mối quan tâm lớn.
Thực tế cho thấy, thành công của bộ phim và nhạc phim không hẳn lúc nào cũng tỷ lệ thuận với nhau. Có những trường hợp, phim không đạt doanh thu tốt như Chờ em đến ngày mai, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Dạ cổ hoài lang, Yêu đi đừng sợ..., nhưng các bản nhạc phim vẫn được đón nhận nhiệt thành. Nếu các nhà làm phim chưa thể tìm ra một công thức để thành công, thì công thức tạo hit nhạc phim lại mang tính phổ biến cao, đó là: nhạc sĩ + ca sĩ nổi tiếng. Đây là mẫu số chung của rất nhiều bản hit đình đám thời gian qua.
Tuy nhiên, để có nhạc phim thành công không phải là câu chuyện dễ dàng. Nhạc sĩ Đức Trí, người đang đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho dự án phim 11 niềm hy vọng, chia sẻ: “Ban đầu tôi tưởng mọi thứ dễ dàng, vì bên cạnh bóng đá là lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Nhưng khi bắt tay vào, làm thế nào đảm bảo 3 yếu tố: khát khao, kịch tính và cả tình cảm, khiến người xem rớt nước mắt là bài toán khó. Đối với tôi, nhạc phim chỉ do một người viết, không phải là công việc tập thể. Đó là công việc cô đơn. Có khi một ngày viết xong nửa bài, nhưng cũng có ngày không viết nổi một nốt nhạc nào”.
Nhà sản xuất Mai Thu Huyền nêu ra khó khăn trong việc chọn ca khúc chủ đề, vì nhiều trường hợp, giám đốc âm nhạc không viết được ca khúc như mong muốn, lúc đó phải tìm kiếm, đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác. Với Lạc giới và Giấc mơ Mỹ, chị đều rơi vào tình huống này.
Còn đối với nhà sản xuất Thanh Thúy: “Các nhạc sĩ càng nổi tiếng càng đắt show và thời gian họ dành cho mình không quá nhiều”. Hiện nay, ngoài những tên tuổi đã thành công như Christopher Wong, Đức Trí, Huy Tuấn, Viết Thanh, Only C, Dương Khắc Linh..., nhiều nhạc sĩ trẻ cũng đang được săn đón tham gia sáng tác âm nhạc cho phim. Các ca sĩ được mời hát nhạc phim phần lớn là những ngôi sao trên thị trường như Uyên Linh, Hương Tràm, Lê Cát Trọng Lý, Đông Nhi...
Khi được hỏi về chi phí cho phần nhạc phim, nghệ sĩ Thanh Thúy tiết lộ, con số này lên đến hàng trăm triệu đồng, không bao gồm tiền chi trả cho các ca khúc. Không nêu con số cụ thể, nghệ sĩ Mai Thu Huyền cho biết, nhạc phim thường chiếm tỷ trọng tương đối và nó phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng của giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ thể hiện.
Theo VĂN TUẤN (SGGP)