Khẩu bệnh và thần y
Khẩu bệnh là các loại bệnh đường miệng, bệnh trạng không chỉ lở loét kiểu lở mồm long móng, mà còn là bệnh về đường ăn nói.
Tuệ Tĩnh
Bệnh này nhiều cấp độ. Thấp thì nói láo, xun xoe, khoe khoang. Cao chút nữa thì thớ lợ, đâm bị thóc chọc bị gạo. Loại cao nhất cũng là loại nguy hiểm nhất, bao gồm cả các chứng trên đã biến ảo tinh vi, kèm thêm các chiêu: hách dịch, lật lọng, tráo trở. Bệnh trạng tùy trình độ văn hóa, trình độ xã hội mà bộc lộ. Tiếp xúc con bệnh, nếu không cẩn thận sẽ bị lây bệnh qua đường tai: nhẹ thì bùng tai, nặng thì thối tai, nặng nữa sẽ ảnh hưởng tâm, can, tỳ, phế.
Tuệ Tĩnh thiền sư là bậc thần y nước Nam xưa, nhưng cũng không thể chữa nổi khẩu bệnh của thiên hạ. Oái oăm là ông trở thành nạn nhân của những kẻ mang căn bệnh này.
Tuệ Tĩnh vang danh thiên hạ về tài chữa hiếm muộn đoạt quyền tạo hóa, về phép làm khỏe con người từ trong ra ngoài và làm đẹp con người từ ngoài vào trong. Ông được triều đình tín nhiệm tuyệt đối. Hiện nay vẫn còn lưu truyền bảng ngày giờ sinh con trai con gái như ý muốn của Tuệ Tĩnh, qua cách tính tuổi của người mẹ và tháng thụ thai. Bảng này, đối chiếu hầu hết với mọi trường hợp đều đúng như bóng sút vào gôn, không trượt khung thành một ly một lai. Phương thuốc làm sữa dưỡng da bằng bí đao và hoa đào của Tuệ Tĩnh cho đến bây giờ vẫn được coi là mỹ dược tuyệt vời nhất.
Ảnh minh họa
Khổ nỗi, về mặt dược liệu, bí đao tràn khối ra đấy, nhưng hoa đào thì chỉ nở một mùa, mà thần y lại yêu cầu phải là hoa đào hái lúc tinh mơ ngày mồng mười tháng giêng mới hiệu nghiệm. Lạy thánh! Đối với các hậu phi và mệnh phụ phu nhân, xuân của mình mới là quan trọng nhất. Các nàng không thể đợi hết xuân trời đất mới làm chất dưỡng nhan, cho nên ngày ấy, mặt trời còn him him các nàng đã ra vườn đào vít cành vặt hết hoa. Thế là xuân chưa tận mà đào đã tan. Các đức ông giận lắm, nhưng các nàng cười hí hí bảo này cúc, này thược dược đầy vườn, phu quân ngắm tạm, rồi quanh năm ngắm thiếp thay hoa đào. Trước vợ, các đức ông đành nuốt giận, bí mật khảo bức vách mới biết thủ phạm là toa thuốc nọ, mà toa thuốc nọ do người kia kê. Được dịp, thái y thay nhau gièm, rằng thiền sư mà lại đi bày hậu cung làm đẹp, vừa trái đạo lý vừa phá hỏng thiên xuân. Vua nghe nhẫy cả tai.
Gặp lúc vua nhà Minh ốm nặng, phát chiếu thư cầu ngự y quốc tế. Các quan ta bèn rộ lên tiến cử Tuệ Tĩnh. Vua Nam ừ. Thế là Tuệ Tĩnh sang Tàu.
Vua nhà Minh đang nằm liệt, uống một bát thuốc Tuệ Tĩnh xong lồm cồm ngồi dậy, ba hôm sau dám ra gió, bảy hôm sau ngự triều xử lý chính sự. Rồi vua nhà Minh mời Tuệ Tĩnh vào gặp, hỏi han y lý, ngỏ ý nhờ chữa bệnh cho một số người trong hoàng tộc. Tiếng tăm Tuệ Tĩnh vang rền đất khách. Vua nhà Minh được thần y mừng hơn được ngọc, quyết không cho Tuệ Tĩnh về cố quốc, dù chỉ một lần.
Tấm lòng nhớ nước bi thiết của Tuệ Tĩnh bất chấp gió bụi thời gian, hằn sâu trên tấm bia mộ ông tự khắc cho mình ở Giang Nam, đại ý: "Tôi là người nước Nam. Ai là người nước Nam qua đây, làm ơn cho tôi về cùng!"
Bao nhiêu người nước Nam đã rơi lệ trước di ngôn cầu cứu của thần y. Ông chữa được nhiều bệnh trầm kha, nhưng vì trót mang tài lớn mà không biết giấu, đến nỗi phải xa quê và bị giam lỏng đến chết. Những kẻ hại ông bằng lời gièm, chúng mang nặng khẩu bệnh, mà ngọn nguồn của khẩu bệnh là lòng ghen ghét. Bệnh ấy, thần y sao chữa nổi?!
Bao mùa đào hoa bừng nở, ửng hồng gương mặt mỹ nhân. Chuyện khẩu bệnh không liên quan mấy đến nữ sắc, nhưng không hiểu sao khi ngắm hoa đào bay trong gió, bỗng lặng nghe một hơi thở ngùi ngùi:
Tôi là người nước Nam!
TTHT