Cưới “tại gia”
Chuyện anh Tí con nhà bác Năm ở đối diện nhà tôi chuẩn bị cưới vợ làm cả xóm nhỏ xôn xao. Cứ ngỡ như bao người khác, hai bác sẽ long trọng đãi tiệc họ hàng và bạn bè ở một nhà hàng trên thị trấn. Nhưng, quyết định làm tiệc tại tư gia của bác khiến không ít người bất ngờ. Bác giải thích: “Nhà mình rộng, có sân vườn thoáng đãng, thuê nhạc về hát cho rộn ràng, để bà con trong xóm có dịp chơi thoải mái. Gò ép vào nhà hàng chi cho vội vàng, thiếu tình cảm”.
Nhớ ngày bé, hễ nhà ai trong xóm có đám cưới, bọn nhóc chúng tôi lại rồng rắn rủ nhau xúm xít xem người lớn cất rạp bằng tàu dừa và cây đủng đỉnh, tiện thể xin vài bông hoa, vài tàu lá bị bỏ quên đem về hí hoáy kết thành vòng đội đầu xinh xắn. Hôm rước dâu, thể nào mọi người cũng chạy ra trước ngõ, ghé mắt nhìn xem trong đoàn người lụa là vừa đi ngang qua kia, cô dâu có xinh không, chú rể có khuôn mặt phúc hậu như thế nào, để rồi lại xuýt xoa, trầm trồ: “Nhà ai có ông rể quý! Nhà ai có cô dâu hiền!”… Nhạc trống sẽ vang lên, khua động cái bình yên vốn có của những thôn quê nép mình sau lũy tre già. Đám cưới của một nhà trở thành ngày hội của một làng là vậy đấy!
Đó là chuyện của rất nhiều năm về trước, khi luồng gió hiện đại, nhanh gọn của nhịp sống công nghiệp chưa thổi đến miền quê. Bởi vậy, khi hay tin bác tôi thuê rạp, thuê nhạc về nhà để đãi tiệc, bà con ai cũng phấn chấn ra mặt. Nghĩa là, mọi người sẽ có dịp ngồi bên nhau tỉ tê, hàn huyên lâu hơn, câu chuyện hỏi thăm nhau về gia đình, sức khỏe, công việc sẽ dài hơn, và “đôi chim câu” sẽ có dịp nhìn kỹ hơn những người thân thương đến chung vui, chúc phúc cho mình. Nghĩa là, cảm giác “đến ăn cưới y như đuổi mình ăn cho mau rồi về, mạnh ai nấy ăn, nhạc ai nấy thổi” ở nhà hàng sẽ thay thế cho những ân tình ấm áp được trao đi mà chẳng ai đòi lại bao giờ.
Ngày dựng rạp cưới dù đã có đội ngũ chuyên nghiệp, nhưng thanh niên trong xóm vẫn chạy đến xắn một tay giúp cho hai bác. Cái không khí tưng bừng, hồi hộp chuẩn bị đón một thành viên mới về gia đình khiến bác tôi như trẻ ra vài tuổi, còn anh Tí thì cứ cười tít mắt. Thỉnh thoảng có câu nói đùa của anh thợ dựng rạp làm bật lên những tràng cười sảng khoái của mấy dì đang loay hoay dưới bếp.
Nhưng len lỏi trong cái không khí rộn rã ấy là sự lo âu của hai bác. Chẳng là, vài người bạn thân của bác kể chuyện đã có vài đám cưới mất vui khi các “nam thanh” chỉ vì những hiểu lầm nho nhỏ mà “sửng cồ đua gáy” với nhau để chứng tỏ cái tôi trong lúc đang ngà ngà say. Mong sao đám cưới tại gia của anh Tí sẽ không lặp lại những kịch bản đáng buồn đó, để hạnh phúc của gia đình thực sự viên mãn, tròn đầy.
HÀ THANH