Các doanh nghiệp ngành gỗ đón nhận nhiều cơ hội từ hiệp định CPTPP
Xuất khẩu quý 1 cũng cho những con số ấn tượng, với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt hơn 54,3 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đã có nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ đang là một điểm sáng trong nhóm hàng nông lâm sản và đang có triển vọng rất khả quan, nhất là khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tín hiệu khả quan
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê công bố, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ 3 tháng đầu năm 2018 đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho thấy, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã đạt 8 tỷ USD. Với kim ngạch này, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã về đích sớm 3 năm so với mục tiêu đạt khoảng 8-8,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vào năm 2020.
Theo các chuyên gia trong ngành gỗ, Việt Nam hiện nay đã trở thành “trung tâm chế biến gỗ của châu Á” và Việt Nam đang có rất nhiều bạn hàng lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Australia, Canada, Malaysia… Nhờ những thị trường này, xuất khẩu gỗ trong nước có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ vượt 10 tỷ USD vào năm 2020 trong tầm tay.
Đánh giá về triển vọng của ngành gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, với CPTPP, các doanh nghiệp gỗ sẽ có cơ hội nhiều hơn thách thức.
Dẫn chứng thêm, theo đại diện hiệp hội này, trước khi ký CPTPP, Việt Nam đã có quan hệ đối tác thương mại gỗ với rất nhiều nước rất mạnh, nhất là Mỹ, với kim ngạch trao đổi ước khoảng 3 tỷ USD/năm, ngoài ra còn các đối tác khác như Australia, Nhập Bản, New Zeland...
Trong khi đó, với hiệp định CPTPP càng mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam nhờ các đối tác rất mạnh trong lĩnh vực này, như: Canada, Chile, Peru. Chưa kể, khi CPTPP được ký kết lập tức các dòng thuế giảm về 0% sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn hơn cho ngành gỗ.
Ông Quyền còn nhấn mạnh, thông qua hiệp định này Việt Nam cũng có thể nhập khẩu được nhiều máy móc, thiết bị công nghệ cao phục vụ cho việc phát triển ngành gỗ với thuế rất thấp.
"Các quốc gia trong CPTPP có năng lực rất mạnh trong lĩnh vực lâm nghiệp nên Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp thế nào có hiệu quả nhất, đặc biệt là việc khai thác gỗ hợp pháp và bảo vệ môi trường," ông Quyền nói.
Liên kết để có thêm sức mạnh
Việt Nam hiện đang là nước sản xuất đồ nội thất bằng gỗ đứng hàng thứ 8 trên thế giới sau một số quốc gia như: Trung Quốc, Mỹ, Đức, Italy, Ấn Độ, Ba Lan và Nhật Bản.
Tuy nhiên, do nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài, trong khi giá nhập khẩu mặt hàng này đang có xu hướng tăng cao.
Ông Hà Tuấn Anh, Giám đốc Chợ gỗ Tài Anh (Hải Phòng) cho biết, trong quý 1/2018, lượng gỗ của Tài Anh nhập vào thấp hơn so với cùng kỳ nhưng giá trị thì tương đương hoặc chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân là do việc khai thác khó khăn hơn dẫn đến nguồn cung có xu hướng giảm.
Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu các sản phẩm gỗ, ông Thang Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hào Hưng lại đưa ra những hạn chế của ngành gỗ trong nước khi cho rằng, phần đông các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất ít điều kiện để đi trực tiếp giao dịch tìm kiếm các nguồn hàng trực tiếp, đa số doanh nghiệp vẫn phải thông qua các công ty trung gian, môi giới…
Do vậy, đại diện doanh nghiệp này cũng bày tỏ mong muốn có sự hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp gỗ trong nước.
"Nếu vốn ít thì doanh nghiệp phải cộng tác lại và chia ra từng chuỗi để sản xuất, kinh nghiệp từ các nước lớn cho thấy những doanh nghiệp nhỏ của họ thường chia ra từng chuỗi và phân định cụ thể cho từng doanh nghiệp, do vậy khi có chuỗi thì lượng vốn của từng doanh nghiệp sẽ không đòi hỏi quá lớn, áp lực sẽ nhỏ đi…," đại diện Công ty Hào Hưng cho hay.
Theo chia sẻ của Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, một trong những vấn đề lớn nhất của ngành gỗ hiện nay chính là chưa có một chiến lược trong việc đặt tất cả những mảng hợp phần khác nhau lên bàn và có sự cân bằng các mảng đó.
Ông đơn cử, mảng xuất khẩu hiện chưa có nhiều kết nối đối với mảng nhập khẩu, trong khi các mảng cung trong nước chưa có kết nối với mảng cung nhập khẩu, do vậy để có thể phát triển bền vững thì về chiến lược bản thân ngành gỗ, các cơ quan chức năng và Hiệp hội nên ngồi lại với nhau và đưa ra những thông tin về tất cả các mảng khác nhau có liên quan đến ngành gỗ, từ đó xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển cho từng hợp phần cụ thể.
Còn về phía Hiệp hội, ông Nguyễn Tôn Quyền cũng lưu ý đến vấn đề sở hữu trí tuệ khi tham gia CPTPP. Theo ông, Việt Nam xuất khẩu 8 tỷ USD nhưng chủ yếu là sản xuất theo mẫu thiết kế từ nước ngoài đặt hàng, rất ít mẫu hàng do doanh nghiệp trong nước tự thiết kế nên cần am hiểu chuyên sâu về vấn đề này.
Ông cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, theo đó ngoài kỹ năng và tay nghề thì người lao động cũng cần được trang bị sâu hơn các kiến thức về xuất xứ hay bản quyền khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo ĐỨC DUY (Vietnam+)