Khai thác đá ở xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ): Ảnh hưởng dân sinh, đe dọa di tích chùa Hang
Theo phản ánh của người dân, hiện nay 4 doanh nghiệp khai thác đá tại khu vực núi Chùa (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) cho nổ mìn, đưa phương tiện cơ giới vào khoét núi để khai thác, đe dọa cảnh quan khu di tích chùa Hang, ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống sản xuất của người dân.
Các DN này được UBND tỉnh cấp phép cho thuê đất để khai thác đá và thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích hơn 26 ha.
Ảnh hưởng dân sinh, di tích bị đe dọa
Tại điểm mỏ đang khai thác, nhiều vạt núi rộng lớn bị băm nát, cảnh quan tự nhiên và cây cối biến mất, chỉ còn trơ đá. Hầu hết các khu vực khai thác có địa hình dốc, vách núi dựng đứng. Trong quá trình khai thác đá việc xây dựng bờ kè, hồ lắng các DN chưa đảm bảo nên các đợt lũ cuối năm 2016, 2017 đã bồi lấp nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp liền kề các mỏ đá, gây thiệt hại cho người dân địa phương.
Việc khai thác đá tại núi Chùa đã ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất của người dân.
Ông Lê Văn Long (thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa), cho hay: “Đợt mưa lũ cuối năm 2017, nhiều diện tích đất sản xuất, hoa màu của người dân bị thiệt hại do các DN khai thác đá gây ra. Sau khi người dân phản ứng, DN đã thỏa thuận đền bù thiệt hại, tuy nhiên phần đền bù cũng chỉ là tượng trưng thôi so với thiệt hại của người dân”.
Còn ông Lê Đình Hiếu, cũng ở thôn Hội Khánh, than thở: “Mặc dù được tỉnh cấp phép, nhưng từ lúc mỏ đá khai thác tại đây, người dân không chịu nổi tiếng ồn, rung lắc do ảnh hưởng từ nổ mìn phá đá, ô nhiễm bụi đá. Đường sá bị ô tô chở đá cày phá hư hỏng hết, càng khiến cuộc sống của người dân nơi đây khổ sở”.
Theo Đại đức Thích Nhuận Tín, trụ trì chùa Hang (còn gọi chùa Thiên Sanh, chùa được khai sơn vào năm 1613 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, nằm lưng chừng núi Chùa - PV), các DN đưa phương tiện cơ giới khai thác ngày đêm, cho nổ mìn ngày 2 lần vào buổi trưa và cuối giờ chiều làm rung chuyển cả đồi núi, cứ mỗi lần nổ mìn các cửa kính trong chùa như muốn rớt ra ngoài. Việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên mà còn làm ảnh hưởng đến tâm lý du khách hành hương về chùa.
“Nhiều lần nhà chùa đã đề nghị lên chính quyền địa phương can thiệp ngừng khai thác mỏ đá này để bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào vào cuộc giải quyết dứt điểm”, Đại đức Thích Nhuận Tín, nói.
Ngày 30.3, PV có mặt tại khu vực núi Chùa và thực sự lo lắng trước thực trạng các DN khai thác đá ồ ạt và không khỏi giật mình bởi tiếng rền vang của mìn phá đá, tiếng máy xúc, máy khoan, máy xay đá. Cả một vùng bị bao trùm bụi đá. Điều đáng nói, hoạt động khai thác đá không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng dân sinh mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến di tích lịch sử - văn hóa chùa Hang.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
Làm việc với PV, ông Trương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho rằng người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất từ việc khai thác đá của các DN là đúng. Tuy nhiên việc sa bồi thủy phá cũng đã khắc phục, DN đã thỏa thuận đền bù cho người dân một cách thỏa đáng.
Trước những phản ánh bức xúc của người dân, mới đây Thường trực HĐND huyện Phù Mỹ đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác đá tại khu vực núi Chùa. Qua kiểm tra, hầu hết các DN khai thác đúng theo giấy phép hoạt động mà UBND tỉnh cấp. Trong đó, một DN được cấp phép từ năm 2011, còn lại đa số được cấp phép vào năm 2016, 2017, thời hạn hoạt động từ 10 đến 30 năm. Hoạt động khai thác của các DN vẫn còn một số tồn tại, như: Việc xây dựng hố lắng, hồ giảm tốc theo nội dung báo cáo tác động môi trường chưa hoàn thiện, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa là rất lớn do chưa xây dựng bờ kè.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện Công ty TNHH MTV Bảo Thắng Bình Định đã khai thác ngoài diện tích cho phép, với 6.400m2. Sau đó, Thanh tra Sở TN&MT lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính DN này, với số tiền 80 triệu đồng; tuy nhiên đến nay DN vẫn chưa thực hiện công tác khắc phục hậu quả như san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường…
Ông Nguyễn Mộng Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Phù Mỹ, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát, cho rằng: Hầu hết các thành viên trong Đoàn kiểm tra, giám sát đều khẳng định hoạt động khai thác đá tại khu vực núi Chùa đã và đang gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực với cảnh quan tự nhiên, môi trường, đời sống dân sinh; cũng như xâm hại đến điểm di tích lịch sử thuộc quần thể di tích chùa Hang. Qua đó, Đoàn kiểm tra, giám sát kiến nghị UBND huyện đề nghị Sở TN&MT mời các DN hoạt động khai thác đá trên địa bàn xã Mỹ Hòa cùng với UBND xã Mỹ Hòa họp bàn nên xây bờ kè, tạo hố lắng tại một địa điểm nhất định để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu DN nào không nghiêm túc thực hiện sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động”.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động khai thác đá luôn ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan tự nhiên và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, hiện nhu cầu sử dụng đá nguyên liệu phục vụ cho xây dựng trên địa bàn tỉnh rất lớn. Thời gian qua, Sở đã thường xuyên tăng cường kiểm tra định kỳ, kiểm soát hệ thống bảo vệ môi trường tại các mỏ khai thác đá, kiên quyết xử lý, buộc các DN ngừng hoạt động nếu để xảy ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, dân sinh.
VĂN LƯU