Nâng cao thu nhập cho nông dân ở vùng chuyên sản xuất lúa: Ghi nhận từ Phước Hưng
Ðẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, là giải pháp giúp xã Phước Hưng (Tuy Phước) giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Là xã thuần nông, trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Phước Hưng vẫn tiếp tục chọn cây lúa là cây trồng chủ lực, nhưng đầu tư phát triển theo hướng sản xuất lúa giống tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Do đó, sau khi quy hoạch vùng sản xuất, xã đã đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp sản xuất thâm canh cải tiến và quản lý dịch hại. Nhờ vậy, các cánh đồng lúa ở Phước Hưng luôn đạt năng suất cao. Nhiều DN sản xuất kinh doanh lúa giống, vật tư nông nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chọn Phước Hưng là đối tác đầu tư, trong đó Tổng Công ty CP Giống Thái Bình đã hợp tác với HTXNN Phước Hưng thực hiện dự án xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất lúa giống và tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho nông dân. Đây là dự án CĐL đầu tiên trong tỉnh thực hiện liên kết chuỗi.
Nông dân Phước Hưng sử dụng cơ giới thu hoạch lúa. Ảnh: X.THỨC
Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cho biết: “Năm 2017 là năm đầu tiên HTX cùng DN thực hiện dự án CĐL theo tinh thần Quyết định 4948/2016 của UBND tỉnh. Có 450 hộ nông dân ở 2 thôn Tân Hội và Lương Lộc tham gia sản xuất lúa giống BC15 trên diện tích 100 ha. Công tác tổ chức, điều hành sản xuất, bảo vệ cây trồng và thu mua sản phẩm đã được triển khai bài bản. Kết quả, DN đã thu mua 675.840 kg lúa giống cho các thành viên tham gia dự án với giá cao hơn giá lúa thịt tại thời điểm. Tổng doanh thu từ bán lúa giống cho DN đạt trên 5,35 tỉ đồng, trong đó nông dân doanh thu hơn 5 tỉ đồng, phần còn lại là của HTX. Vụ Đông Xuân 2017-2018, dự án tiếp tục được triển khai”.
Ngoài ra, HTXNN Phước Hưng còn phối hợp với Tổng Công ty CP Giống Thái Bình và các DN khác xây dựng 7 cánh đồng mẫu lớn sản xuất các loại lúa giống: BC 15, TBR 225 với tổng diện tích 423/660 ha đất sản xuất lúa của xã, giúp nông dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Xã còn khuyến khích nông dân sử dụng diện tích đất màu để trồng loại cây trồng cạn theo hướng sản xuất hữu cơ, trồng hoa, cây cảnh; cho DN thuê 5 ha đất để xây dựng khu sản xuất rau an toàn, tạo điều kiện cho nông dân học tập, nhân rộng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, Phước Hưng triển khai dự án nuôi heo nái ngoại bằng cách cho nông dân mượn heo giống, sau đó trả lại heo con giống để xã hỗ trợ cho các hộ dân khác, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị đàn heo. Xã còn sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phát triển sản xuất để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển đàn bò lai; phát triển đàn gia cầm gắn với an toàn dịch bệnh. Đến nay, Phước Hưng duy trì đàn gia súc 7.460 con và 117.600 con gia cầm.
Xã cũng chú trọng phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có 4 DN đầu tư xây dựng 4 xưởng may, thu hút 800 lao động là nông dân ở địa phương, với mức lương 3-4 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm nông dân khác vừa sản xuất nông nghiệp vừa làm thợ xây, sản xuất bánh tráng, chạm khắc đá, gỗ... có thu nhập cao.
Ông Lê Anh Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, cho biết: Qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, KT -XH của xã phát triển khá, giá trị sản xuất hàng năm tăng trung bình gần 13%. Nhờ vậy, năm 2015, Phước Hưng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, là một trong 4 xã về đích nông thôn mới sớm nhất của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của người dân thay đổi đáng kể, thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đạt 34 triệu đồng/năm; trên 95% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên.
PHẠM TIẾN SỸ