Giá mà...!
Mùa hè. Đưa con trẻ về thăm quê - một ngôi làng ven sông vùng đất trung du để cho chúng được hưởng cái mát lành của sông nước, của những ngọn gió đồi phóng khoáng thổi liên tu bất tận. Thế nhưng, đáng tiếc thay đó chỉ là hoài niệm của một thời xa lắc xa lơ nào đó.
Đem cái sự “bất ngờ” này hỏi người chị đã ngoại ngũ tuần, một đời sống với đất đai, sông nước quê nhà, ngay lập tức chị buông một tiếng thở dài như… ngọn gió: “Chui cha! Chuyện chú hỏi đã xưa lắm rồi. Bây giờ thôn quê mình cũng trần ai như chốn thị thành rồi. Chú không thấy dòng sông chưa đến mùa hạn mà đã muốn cạn trơ đáy rồi đó. Đến mùa hè thì cả lòng sông trơ đáy dưới cái nắng mười mấy tiếng một ngày thì có khác gì cái trã rang đâu. Lúc đó đến mấy hàng tre cũng muốn chết khô luôn”.
Câu chuyện của chị cứ thế tiếp diễn dài dài và chốt lại ở chỗ cái dòng suối bên mé đồi sau vườn trước quanh năm nước rỉ rả chảy tưới tắm cho cây trái trong vườn và mấy đám ruộng trước nhà mấy năm nay cũng đã cạn dòng. Chị chép miệng “ai đời khắp nơi trồng keo lai, từ trên núi trên đồi xuống đến vườn, ra đến ruộng chỗ nào cũng xanh ngút ngàn nhưng sông suối thì cạn trơ đáy. Hổng biết mấy thì này có can hệ gì với nhau không nhưng chuyện khô hạn, nóng nực thì ai cũng thấu tới ruột tới gan rồi. Mới tháng này mà đã thấy nóng muốn nổ con ngươi rồi, tới mùa chắc… chết quá!”.
Chưa hết. Ngồi nói chuyện một hồi thì bắt đầu cảm thấy trong không gian phảng phất mùi xú uế lúc thoảng, lúc đậm, lúc dồn dập đến bức bối nếu… không kịp bịt mũi. Chưa hỏi thì chị đã mau mắn giải thích “Mùi nuôi heo đó. Bây giờ cả làng cả xã nuôi heo, mỗi nhà nuôi phải tính trăm, tính ngàn con chứ không ai tính chục nữa. Thức ăn cho heo thì chế biến sẵn, dinh dưỡng cao nên chất thải càng nặng mùi. Bao nhiêu chất thải đó hàng ngày đều xả tràn ra vườn, ra ruộng chứ có mấy người thu gom xử lý hay làm hầm biogas đâu, nên thúi… cả xã, cả huyện luôn”.
Câu chuyện còn lan man đến chuyện cơ sở chế biến mì của xóm trên xả nước thải ra ruộng làm cá chết, lúa rụi và bay mùi cả xóm, chuyện bà con đổ rác, vứt xác súc vật chết bừa bãi gây ô nhiễm tràn lan. Kết thúc cuộc chuyện trò, chị chép miệng “Kể ra bây giờ bà con mình làm kinh tế, chế biến mì, nuôi heo … thì có thu nhập cao thiệt, nhưng môi trường ô nhiễm vầy thì sống sao cho nổi. Giờ chỉ mong sao không khí trở lại trong lành như ngày xưa thì tuyệt vời biết mấy!”.
Từ nỗi niềm của người chị một đời sống ở quê mới thấy giá trị vô cùng quý báu của môi trường, cảnh quan thiên nhiên đối với chất lượng cuộc sống. Kinh tế có tăng mà môi trường bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ thì chất lượng cuộc sống không những không tăng mà còn thụt lùi, chưa kể những hệ lụy lâu dài về sau.
Giá mà…!
H.Ð