Ngăn chặn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật: Cần có giải pháp đồng bộ
Gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Ðể ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Sáng và đồng bọn. Tại thời điểm phạm tội, có đến 6/8 bị cáo của vụ án này chưa đủ 18 tuổi.
Theo số liệu thống kê của CA tỉnh, quý I/2018, toàn tỉnh xảy ra 144 vụ phạm pháp hình sự, trong đó trộm cắp tài sản chiếm trên 60%, còn lại chủ yếu là cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giết người. Cơ quan chức năng đã khởi tố 265 đối tượng, trong đó thanh thiếu niên (TTN) vi phạm có 190 đối tượng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng TTN vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng và đáng lo ngại bởi tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm. Hiện tượng TTN tụ tập thành băng nhóm cũng đang nổi lên rất rõ, diễn biến phức tạp. Mới đây, TAND tỉnh đã xét xử vụ án giết người mà nguyên nhân chỉ đơn giản từ việc “nghe nhầm”. Cụ thể, vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 4.6.2017, tại thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, Nguyễn Văn Sáng (SN 1994) đã vô cớ rủ đồng bọn dùng mô tô đuổi theo đánh anh Võ Anh Tuấn (SN 1996, cùng ở Phù Mỹ). Trong quá trình rượt đuổi, Sáng la to bảo Tuấn dừng xe lại. Sợ bị đánh, Tuấn tăng tốc nhằm thoát khỏi sự truy đuổi, dẫn đến bị tai nạn và tử vong sau đó. Đáng lên án hơn, khi Tuấn bị ngã xe, nhóm của Sáng còn kéo tới đánh, đá vào người Tuấn, và đánh luôn người đi cùng Tuấn. Trong vụ án này, có 8 bị cáo, song thời điểm phạm tội, có đến 6 bị cáo chưa đủ 18 tuổi. Tại phiên tòa, vị thẩm phán đã phân tích: “Không hề mâu thuẫn gì, chỉ nghe rủ đi đánh người là đi. Khi nạn nhân đã không còn sức kháng cự mà vẫn cố đánh một cách dã man, coi thường tính mạng người khác, thật đáng lên án!”.
Hay như vụ cướp tài sản xảy ra đầu tháng 3.2018 tại địa bàn TP Quy Nhơn, cũng được thực hiện bởi những đối tượng có tuổi đời còn rất trẻ, có đối tượng chỉ mới 15 tuổi. Theo các điều tra viên, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng nhiều đối tượng hoạt động rất liều lĩnh, ma mãnh.
Từ những vụ án trên có thể thấy, tình hình tội phạm “trẻ hóa” đang trở thành thực trạng xã hội đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu sự quản lý, quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn từ phía gia đình, do cha mẹ quá nuông chiều, ít quan tâm hoặc không quan tâm đến con cái. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên ở các địa phương còn nhiều bất cập; vấn đề hỗ trợ giải quyết việc làm cho số trẻ em bỏ học, lang thang chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trên mạng internet xuất hiện nhiều trò chơi game online bạo lực thu hút nhiều TTN tham gia, dẫn đến những hành vi xấu, ảnh hưởng đến nhận thức của lứa tuổi… Như tại vụ án Nguyễn Văn Sáng cùng đồng bọn, khi được hội đồng xét xử mời lên thẩm vấn với tư cách là người giám hộ, mẹ của bị cáo Lê Hồng D. (SN 2001) chỉ biết xin lỗi, con dại cái mang, vì vợ chồng ly hôn, cuộc sống khó khăn nên bản thân ít có thời gian bảo ban con.
Theo đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc CA tỉnh, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ở lứa tuổi TTN, các cấp, ngành, mỗi gia đình và toàn thể xã hội cần đặc biệt quan tâm giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho TTN. Chú trọng giáo dục, quản lý những đối tượng TTN từng có tiền án tiền sự, cá biệt. Làm tốt công tác nắm tình hình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để góp phần răn đe, phòng ngừa chung; đồng thời tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm giết người, các băng nhóm TTN đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cá nhân luôn có ý thức tuân thủ pháp luật; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
KIỀU ANH