Xử lý tình trạng vi phạm lãnh hải nước ngoài: Phải chặt chẽ, nghiêm minh
Những năm gần đây nóng lên tình trạng ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài và bị bắt. Nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đã được triển khai. Dù một số hình thức xử lý khó áp dụng trong thực tế, nhưng không phải vì thế mà bỏ qua tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong chuyến công tác mới đây tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, chúng tôi đã được nghe tâm sự của các cán bộ BĐBP “cắm chốt” địa bàn. Quá trình kiểm tra, phát hiện ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài đã khó, xử lý vi phạm càng nan giải hơn. Bởi, không ít tàu vi phạm có được từ nguồn vốn vay, mượn; tàu bị bắt nghĩa là chủ tàu cũng trắng tay, nợ nần chất chồng.
Để hạn chế tình trạng vi phạm lãnh hải nước ngoài, cần sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội.
Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp anh Lê Đình Chiểu (ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh). Để sắm được chiếc tàu cá, gia đình anh phải vay mượn khắp nơi, đến mức vợ anh - chị Phạm Thị Mỹ Linh còn chẳng kể hết được danh sách chủ nợ. Tàu bị Indonesia bắt, anh Chiểu trốn trở về, bị kiểm điểm trước dân. Riêng việc phạt tiền, chính quyền địa phương cũng đành bó tay vì biết quá rõ hoàn cảnh nợ nần của gia đình anh, đến căn nhà cũng ở nhờ!
Tuy vậy, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tiến đến chấm dứt tình trạng vi phạm lãnh hải nước ngoài, các biện pháp “mạnh tay” vẫn phải được thực thi. Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18.5.2010 và Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ (về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài) vừa được UBND ban hành đã chỉ rõ các hình thức xử lý nghiêm ngặt.
Theo đó, đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm đã bị nước ngoài xử lý, tịch thu sẽ không cấp giấy phép khai thác thủy sản lần đầu, không cho đóng mới tàu cá và buộc các chủ tàu chi trả kinh phí đưa các thuyền viên đi trên tàu cá bị nước ngoài bắt, xử lý về nước. Đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm bị bắt giữ sau đó được chuộc tàu, thả tàu hoặc đưa tàu trốn về nước sẽ xử phạt ở mức cao nhất - 150 triệu đồng, tước quyền khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng, không cho chuyển nhượng quyền sở hữu tàu cá trong vòng 6 tháng; đồng thời buộc các chủ tàu chi trả kinh phí đưa các thuyền viên về nước. Không xem xét, phê duyệt cho các chủ tàu cá có tàu cá vi phạm được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước về phát triển thủy sản. Xử lý hình sự đối với các chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm việc đưa ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần “ngọn”. Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ với sự tham gia của cả cộng đồng. Trong đó, phải huy động các tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và có biện pháp xử lý phù hợp đối với các đối tượng đã cố tình vi phạm pháp luật bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, đối tượng có hành vi móc nối với nước ngoài… để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tương tự.
MAI LÂM