Phòng bệnh do nhiễm giun ở trẻ em
Nhiễm giun đường ruột có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ. Biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ em nhiễm giun thường kéo dài, cân nặng và tốc độ phát triển thể lực của trẻ em nhiều khi rất thấp. Tùy theo việc nhiễm các loại giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim… mà ở trẻ em hay gặp các triệu chứng như: gầy còm, bụng chướng, biếng ăn, co giật, ứa nước bọt; thiếu máu nhược sắc, hồng cầu giảm; rốn đau âm ỉ, đau cả lúc no, lúc đói, táo bón, đi ngoài phân đen, chóng mặt, ù tai, da xanh, thiếu máu khó ngủ, hay quấy khóc do ngứa hậu môn và thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân lỏng đôi khi có lẫn máu và chất nhầy…
Để phòng chống bệnh nhiễm giun cần thực hiện tốt các biện pháp sau: mỗi gia đình cần có nhà vệ sinh sạch sẽ, không phóng uế bừa bãi, bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước. Không dùng phân tươi chưa ủ kỹ để bón ruộng. Không để ruồi, nhặng đậu vào thức ăn. Không để chó, lợn, gà... tha phân gây ô nhiễm môi trường. Đối với vệ sinh cá nhân, thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, rửa hậu môn bằng xà phòng sau mỗi lần trẻ đi đại tiện, không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi, tránh để hậu môn tiếp xúc với đất; không để trẻ bò lê la, nghịch đất, cát, nhắc nhở trẻ thường xuyên đi giày dép, vệ sinh đồ chơi cho trẻ hằng ngày. Chú trọng vệ sinh ăn uống, thực hiện tốt ăn chín, uống chín, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt ăn uống của trẻ. Tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Các loại trái cây nên rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn. Thức ăn đậy kín không để ruồi, nhặng đậu vào.
Định kỳ 6 tháng cho trẻ uống thuốc tẩy giun một lần theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trong nhà có một người bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà. Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn nhưng phải được bác sĩ tư vấn và chọn loại thuốc thích hợp.
MINH PHƯỢNG