Cô đỡ thôn bản ở huyện An Lão: Chỗ dựa tin cậy cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa
Ở những thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện miền núi An Lão, nơi người dân sống cách xa cơ sở y tế, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ đều trông cậy vào các cô đỡ thôn bản. Nhờ đội ngũ này, nhiều ca sinh đẻ đã được thực hiện an toàn.
Từ năm 2009 đến nay, được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Tổ chức Y tế thế giới... tỉnh Bình Định đã triển khai Dự án “Cô đỡ thôn bản” nhằm đào tạo kiến thức cấp cứu sản nhi, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thai phụ ở các xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Một cô đỡ thôn bản ở huyện An Lão (đầu tiên bên trái) đang tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.
Cô đỡ thôn bản hoạt động hiệu quả
Huyện miền núi An Lão có 40 thôn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số H’rê và Bana. Toàn huyện đang có 30 cô đỡ thôn bản được đào tạo từ 6 tháng trở lên về công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại các xã trong huyện, với các kỹ năng cơ bản trong phát hiện quản lý thai nghén, đỡ đẻ sạch, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh; tư vấn người dân đến khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế....
Chị Hoàng Thị Mỹ Lê, Phụ trách Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình của Trung tâm y tế huyện An Lão, cho biết: “Sau nhiều năm triển khai mô hình “Cô đỡ thôn bản” trên địa bàn huyện đã được thực hiện rất hiệu quả. Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của các cô đỡ thôn bản, chị em đã đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở y tế để sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ em trong độ tuổi quy định. Đặc biệt, nhờ hỗ trợ của các cô đỡ thôn bản trong việc phát hiện và chuyển tuyến kịp thời cho thai phụ có nguy cơ, nên huyện không còn xảy ra hiện tượng tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh như trước”.
“Rào cản lớn nhất là người dân có phong tục tập quán sống lạc hậu, phụ nữ trước khi sinh phải được cúng bái, rồi bắt uống rễ cây. Các cô đỡ thôn bản đã đến nhà tuyên truyền, khích lệ, vận động để họ thay đổi tập quán nên chị em đã đi khám thai và sinh con tại cơ sở y tế đạt 100%...”.
Chị Trần Thị Bích Vân, Trạm y tế xã An Hưng, huyện An Lão
Xã An Hưng có 5 thôn nằm cách xa nhau, địa hình miền núi giao thông đi lại khó khăn, phần lớn các hộ trong xã đều là hộ nghèo và là người dân tộc H’rê. Các trạm y tế đều nằm ở khu vực trung tâm xã nên còn cách xa các thôn... Do đó, khi gia đình có sản phụ trở dạ, họ đều trông cậy vào sự giúp đỡ của 3 cô đỡ thôn bản hiện có ở xã An Hưng. “Nhờ có cô đỡ thôn bản như chị Đinh Thị Dế thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em tham gia lớp đào tạo về tập huấn chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ đang mang thai, chăm sóc cho trẻ sơ sinh, tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai... nên tôi yên tâm hơn…”, chị Đinh Thị Nhung (đang mang thai tháng thứ 5) ở thôn 1, xã An Hưng, chia sẻ.
Vượt khó và tâm huyết với nghề
Công việc của cô đỡ thôn bản ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn có vai trò quan trọng là vậy, nhưng hiện nay các chế độ đãi ngộ với lực lượng này còn quá thấp, thậm chí không có phụ cấp nào thêm. Từ năm 2010, sau khi kết thúc khóa đào tạo 6 tháng về đảm nhận công việc, các cô đỡ thôn bản ở xã chỉ được nhận hỗ trợ số tiền 200 ngàn đồng/tháng. Nếu không thực sự tâm huyết với nghề thì bản thân các cô đỡ thôn bản không thể tập trung thời gian vào công việc chuyên môn được. Điển hình chị Đinh Thị Dế (SN 1988) là cô đỡ thôn bản tại thôn 1, xã An Hưng, trong năm vừa qua đã được Trung tâm y tế huyện An Lão và Trạm y tế xã An Hưng đề nghị Sở Y tế tặng Giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chị Đinh Thị Dế tâm sự: “Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, tôi vẫn rất lạc quan, yêu nghề, nỗ lực làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giúp người dân địa phương nhận thức tốt hơn về việc tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong những năm qua tại xã không xảy ra tử vong mẹ và trẻ em, tỉ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 100%; phụ nữ mang thai được quản lý thai và đến khám thai tại trạm y tế đạt 98%; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong những năm qua đạt so với chỉ tiêu đề ra...”.
Để mô hình cô đỡ thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được nhân rộng và duy trì bền vững, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần thêm sự quan tâm tích cực hơn nữa, xây dựng những chính sách đãi ngộ để động viên các cô đỡ thôn bản yên tâm làm việc tốt hơn trong thời gian đến.
THÙY VY