Sách & đọc sách!
Lịch sử phát triển của nhân loại đã khẳng định vai trò quan trọng, giá trị đặc biệt của sách trong cuộc sống. Đại văn hào Nga M. Gooc-ki đã từng nói: “Hãy yêu quý sách vì sách đó là nguồn gốc của mọi tri thức”.
Thực vậy, sách không chỉ là nguồn tiếp thêm tri thức về triết lý nhân sinh, tâm hồn thời đại, số phận con người… mà còn là người thầy, là người bạn tâm giao. Để rồi có những lúc gặp khó khăn ta có thể tìm thấy đâu đó trong những trang sách một lời giải đáp, một hướng đi giữa muôn vàn bối rối, củng cố thêm niềm tin về sự thiện tâm, niềm hy vọng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những biến đổi của đời sống xã hội đã làm cho vai trò của sách, của văn hóa đọc có chiều hướng suy giảm đáng lo ngại.
Một số liệu khảo sát được công bố mới đây cho biết: có đến 38% số người được hỏi trả lời đọc sách văn học dưới 30 phút mỗi ngày, 17% số người đọc sách từ 30-90 phút/ngày, còn trên 2 giờ chỉ ở mức dưới 10%. Ngoài ra, số người đọc sách hiện chủ yếu là ở khu vực thành thị, chủ yếu rơi vào các nhóm độc giả là sinh viên, các nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường có liên quan; còn ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... thì chuyện đọc sách đã trở thành chuyện hiếm.
Với các thanh niên trẻ bây giờ, trên tay thường là một chiếc smart phone thay vì một cuốn sách như nhiều năm trước. Nhiều người trẻ cho rằng thời đại công nghệ thông tin rồi, cầm chiếc smart phone bước vào thế giới mạng đủ thứ thông tin, kiến thức các kiểu việc gì phải ôm từng cuốn sách dày cộm vừa nặng nề, vừa không phong phú như… “cõi mạng”, muốn biết cái gì cứ hỏi bác “gúc” là tiện lợi trăm bề. Đây cũng là điều khó tránh khi có sự phổ biến và tiện lợi của các thiết bị điện tử, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng và các ứng dụng khác từ mạng Internet, facebook, youtube… nên đa số người trẻ có xu hướng chuyển từ văn hóa đọc sang văn hóa nghe - nhìn. Hệ lụy dễ thấy nhất của việc ít đọc của lớp trẻ, nhất là học sinh phổ thông, là những bài luận ngô nghê, câu văn diễn đạt lủng củng… trong các bài thi từng khiến dư luận phải… rùng mình (!).
Nhằm khôi phục giá trị tích cực của văn hóa đọc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho mọi người, ở nước ta đã có Ngày sách Việt Nam (21.4). Một số địa phương trong nước, nhất là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã tổ chức các hoạt động như “Đường sách”, “Hội sách”, “Chợ sách”… để hưởng ứng ngày này với nhiều hình thức sinh động, phong phú và đã có được những kết quả đáng khích lệ. Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần thứ X - 2018 vừa được tổ chức từ ngày 19 đến 25.3 đã đạt doanh thu hơn 60 tỉ đồng, thu hút hơn 1 triệu lượt bạn đọc là một tín hiệu đáng mừng.
Theo nhiều chuyên gia về văn hóa và xuất bản, khi sức hút của sách đối với độc giả có chiều hướng giảm, nhất là tình trạng lười đọc sách diễn ra khá phổ biến ở nhiều thành phần xã hội và ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thì việc tạo môi trường đọc thân thiện, tạo hứng thú với bạn đọc thông qua các hoạt động giao lưu, ký tặng sách với các tác giả, nhà xuất bản của các hội sách, đường sách... là giải pháp có hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị hiện đại cho các thư viện, cần hỗ trợ tạo dựng thói quen đọc sách tại thư viện và xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho công chúng cũng cần được tăng cường. Nhà trường cũng cần tích cực tham gia xây dựng thói quen, kỹ năng đọc sách cho học sinh bằng việc tổ chức các hoạt động như giờ đọc sách, thi kể chuyện theo sách... Tất cả không nằm ngoài một nỗ lực chung là khôi phục giá trị, vị thế của sách và văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.
H.Ð