Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Gia Thiện: Tình yêu lớn với nhạc võ Tây Sơn
Bên cạnh chuyên môn sáng tác nhạc cho sân khấu tuồng, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Gia Thiện (nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Ðào Tấn) còn dành đam mê đặc biệt cho bộ gõ. Nhiều tác phẩm khí nhạc bộ gõ của ông đạt giải cao cấp quốc gia. Thành công ấy xuất phát từ tình yêu lớn với nhạc võ Tây Sơn.
“Thương” nhạc cụ bộ gõ
Trong các loại nhạc cụ truyền thống, nhạc cụ bộ gõ (trống, cồng, chiêng, mõ, thanh la…) được xem là loại nhạc cụ khó, khô, ít “đất dụng võ”. Nguyên nhân là loại nhạc cụ này nặng tính tiết tấu, nhịp phách mà rất ít tính giai điệu, hạn chế về độ mượt mà, trữ tình, do vậy kén người sử dụng, sáng tác. Với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Gia Thiện, từ lúc vào nghề, ông đã rất “thương”, trăn trở cho những “thiệt thòi” trên của nhạc cụ bộ gõ, đồng thời tin tưởng, nếu đủ sức sáng tạo tìm lối đi riêng, biết cách sử dụng và kết hợp, bộ gõ cũng mượt mà, bay bổng.
NSƯT Gia Thiện dành trọn cuộc đời tâm huyết với nhạc cụ bộ gõ.
- Trong ảnh: NSƯT Gia Thiện tham gia cùng đoàn nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn trong chương trình nghệ thuật Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010). Ảnh: HOÀI THU
Năm 2005, NSƯT Gia Thiện có sáng tác đầu tiên về bộ gõ, đó là một đoạn nhạc trong vở tuồng Cội nguồn của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Từ bộ gõ bài Trống cơm điệu Nam ai trong tuồng, ông đã sử dụng, hòa trộn nhiều loại nhạc cụ bộ gõ với nhau, gồm chiêng, cồng, mõ…, tạo thành bản nhạc đầy bi ai, tha thiết, gợi nỗi đau, mất mát tận cùng, làm nền cho diễn xuất của nhân vật bà Sáu Bình đi lang thang, cô quạnh trong nghĩa địa nơi nhiều người thân đã chết vì cuộc thảm sát của lính Đại Hàn. Chỉ bằng âm nhạc và diễn xuất của diễn viên, không một lời thoại, lớp tuồng lấy bao nước mắt người xem.
NSƯT Gia Thiện là nhạc sĩ Bình Ðịnh duy nhất tham gia Trại sáng tác âm nhạc quốc tế Âm sắc Huế - Việt Nam (trong khuôn khổ Festival Huế 2006). Tại đây, ông cũng chọn bộ gõ làm chủ đạo (kết hợp với những giai điệu mới và thanh nhạc), để thể hiện về mối tình của công chúa Ngọc Hân với Hoàng đế Quang Trung - tác phẩm Mênh mang vó ngựa cung đàn ra đời trong thời gian vài ngày dự trại là một trong những tác phẩm hay của nhạc sĩ Gia Thiện.
Nhạc sĩ Gia Thiện còn ghi dấu ấn đậm nét hơn khi sáng tác những bài độc tấu, song tấu, hòa tấu chuyên về bộ gõ. Bài Trống hội, viết cho Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008, là một bài trống có giai điệu, tiết tấu rộn ràng, hào hùng, với cách sử dụng linh hoạt. Bài trống này nhanh chóng được lan rộng, biểu diễn phổ biến ở Bình Định, phù hợp cho những sự kiện, chương trình như chào mừng, khai trương, khai hội và đặc biệt là làm nhạc nền để biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định. Một tác phẩm khác - độc tấu trống Vượt sóng ra khơi - được phát triển dựa trên chất liệu bài nhạc dân gian 12 trống của nhạc võ Tây Sơn. Chỉ bằng âm thanh của trống, nhưng vẫn diễn đạt được tất cả âm thanh, sắc thái tình cảm và cảnh huống trên biển: tiếng sấm chớp, mưa trút, gió bão, cột buồm gãy răng rắc hay gió vi vu, sóng lả lướt, biển khơi qua cơn bão giông trở nên êm đềm, thuyền về cá nặng đầy khoang… Tác phẩm đã đoạt HCV Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2017.
Từ tình yêu với nhạc võ Tây Sơn
Nói về niềm say mê đặc biệt với nhạc cụ bộ gõ, nhạc sĩ Gia Thiện cho hay, là người miền Bắc, từ năm 1976 về Bình Định làm việc, ông thường xuyên được thưởng thức nhạc võ Tây Sơn. Những khi ấy, ông băn khoăn tự hỏi: Tại sao nhạc võ Tây Sơn độc đáo, phong phú, có giá trị lịch sử và nghệ thuật như vậy, nhưng xưa nay vẫn chỉ 1 bài và chỉ dùng để biểu diễn võ. Sao không diễn tả tình yêu, lao động, quê hương hay bất cứ đề tài nào khác? Sao không kế thừa, phát triển thêm?
“Trống cũng biết thì thầm, kể chuyện, tâm tình, giao duyên, khi biết sử dụng, cải biến, kết hợp thì trống hay các nhạc cụ khác thuộc bộ gõ cũng rất ngọt ngào, mượt mà chứ không chỉ có đặc tính mạnh mẽ, sôi nổi, âm vang. Tôi rất yêu và tự hào về di sản Nhạc võ Tây Sơn, hơn nữa, sự đồng cảm nghệ thuật và trách nhiệm của người hoạt động âm nhạc truyền thống, khiến cho bản thân luôn trăn trở phát huy và hứng khởi tìm tòi, sáng tác”, nhạc sĩ Gia Thiện chia sẻ.
Nhạc sĩ kể, trong một lần biểu diễn bộ gõ ở Hà Nội, một nhạc sĩ người Úc đã đến bắt tay khi ông vừa diễn xong và hỏi: “Anh đã làm gì để những chiếc trống nó thì thầm, ca hát như vậy?”! Điều này khiến ông rất hạnh phúc, bởi khán giả có thể nghe tốt khí nhạc không nhiều. Nhạc sĩ Gia Thiện cũng từng được các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Nha Trang… mời đến dạy nhạc võ Tây Sơn. “Khi viết khí nhạc sử dụng những nhạc cụ khác, tôi cũng luôn chú ý dành cho bộ gõ những đoạn solo riêng, để cho bộ gõ dân tộc thêm điều kiện thể hiện vẻ đẹp của mình. Trong tình yêu lớn với nhạc võ Tây Sơn, tôi rất hạnh phúc đã góp phần kế thừa, phát huy và truyền bá đến một số vùng miền, địa phương trong nước. Đây cũng là tình cảm và sự tri ân của một nghệ sĩ mấy chục năm gắn bó, hoạt động nghệ thuật trên quê hương nhạc võ Tây Sơn”, NSƯT Gia Thiện xúc động chia sẻ.
SAO LY