Giám định tư pháp:
Vẫn còn bất cập
Công tác giám định tư pháp đã góp phần không nhỏ trong điều tra, xét xử các vụ án hình sự cũng như dân sự. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn một số bất cập.
Thiếu giám định viên tư pháp
6 tháng đầu năm 2013, các tổ chức giám định tư pháp của tỉnh đã giám định 459 vụ việc, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giám định pháp y 293 vụ, giám định pháp y tâm thần 15 vụ, Phòng Kỹ thuật hình sự, CA tỉnh giám định 151 vụ việc. Tuy vậy, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Đoàn công tác Bộ Tư pháp về kiểm tra công tác tư pháp và thi hành án dân sự ở địa phương cuối tháng 7 vừa qua, ông Lê Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, phản ánh, dù tỉnh đã có Trung tâm giám định pháp y, Tổ chức giám định pháp y tâm thần và Phòng Kỹ thuật hình sự, CA tỉnh, song vẫn thiếu giám định tư pháp một số lĩnh vực khác, làm ảnh hưởng và hạn chế quá trình điều tra, xét xử của các cơ quan tố tụng.
Công tác giám định tư pháp đã góp phần không nhỏ trong công tác điều tra, xét xử các vụ án hình sự.
- Trong ảnh: Cán bộ giám định pháp y khám nghiệm tử thi nạn nhân một vụ TNGT.
Theo quy định của Luật Giám định tư pháp, ngoài 3 tổ chức giám định tư pháp được thành lập (gồm Trung tâm giám định pháp y, Tổ chức giám định pháp y tâm thần và Phòng Kỹ thuật hình sự, CA tỉnh), thì đối với các lĩnh vực khác như tài chính, lâm nghiệp, xây dựng… cũng cần có giám định viên tư pháp và tổ chức chuyên môn cho từng lĩnh vực để thực hiện việc giám định. Ông Lê Minh Tài, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp, cho biết, hiện toàn tỉnh có 78 giám định viên tư pháp ở nhiều lĩnh vực, song có lĩnh vực còn “trống” giám định viên. Cho đến nay, nhiều sở, ngành vẫn chưa giới thiệu tổ chức chuyên môn để thực hiện việc giám định tư pháp. Thậm chí, có đơn vị chưa hề có giám định viên tư pháp cũng như tổ chức chuyên môn.
“Chính vì điều này mà cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít khó khăn khi có nhu cầu trưng cầu giám định. Điển hình như vụ án liên quan đến ngành xây dựng, nhưng vì không có giám định viên mà vụ án kéo dài nhiều năm, bị tòa cấp trên trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Hoặc, có vụ án tranh chấp về dân sự liên quan đến cổ vật cũng vì không có giám định viên nên cơ quan chức năng lúng túng”, ông Tài nói.
Băn khoăn về kết quả giám định
Giám định tỉ lệ thương tật của người bị hại đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự, thì tội cấu thành cơ bản là 11% trở lên (tỉ lệ thương tật dưới 11% thuộc các trường hợp quy định từ khoản a đến khoản k).
Nhưng, theo ông Đỗ Tấn Phước, Phó Trưởng Phòng kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh, ma túy, Viện KSND tỉnh, thì: “Đã có những khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến con số tỉ lệ thương tật 10% đầy “nhạy cảm” vì bị hại cho rằng tỉ lệ thương tật của họ cao hơn. Nhưng, cơ quan tố tụng hình sự phải căn cứ vào kết quả giám định tỉ lệ thương tật của hội đồng giám định để quyết định khởi tố hình sự hay không. Tỉ lệ thương tật của bị hại 10% thì người gây ra thương tích không bị khởi tố hình sự, nhưng sang 11% thì ngược lại”.
Thời gian qua, các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án giết người do người có biểu hiện tâm thần hoặc có tiền sử về bệnh tâm thần gây ra. Gần đây nhất là vụ án Nguyễn Ba (SN 1976, ở thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước, bị bệnh tâm thần phân liệt) giết chết mẹ ruột, bị TAND tỉnh tuyên phạt 15 năm tù; và trước đó là Trần Quang Hiếu (SN 1977, ở Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, có tiền sử bệnh tâm thần) giết con trai, bị TAND tỉnh xử 7 năm tù. Theo kết quả giám định của pháp y tâm thần thì cả hai bị cáo này trong khi gây án đều ở giai đoạn bệnh ổn định nên đủ năng lực nhận thức và năng lực hành vi.
Ông Phước phân tích: “Kết quả giám định pháp y tâm thần có ý nghĩa quyết định xem xét người gây án có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Nếu trong quá trình thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người này vẫn làm chủ được năng lực, hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng từ thực tế xét xử cho thấy, có bị cáo khi ra tòa vẫn không nhận thức đầy đủ câu hỏi của hội đồng xét xử. Cách đây vài năm, một trường hợp người tâm thần gây án giết người bị TAND tỉnh xử tù, nhưng sau đó tòa phúc thẩm lại tuyên vô tội... Giá như có con chíp điện tử theo dõi điện não đồ tâm thần của những đối tượng này để theo dõi hành vi, năng lực của họ để đánh giá chính xác hơn thì tốt biết mấy… ”.
THU HÀ