Những “kịch tác gia” nông dân
Có khả năng ứng tác nhanh, thông thạo thơ ca, hò vè và tràn trề lòng nhiệt tình với quê hương, những nông dân lam lũ, chất phác ấy lặng lẽ, miệt mài với công việc sáng tác tiểu phẩm phục vụ văn nghệ, tuyên truyền. Ðóng góp của họ thật đáng ghi nhận.
Tài lẻ và đóng góp lớn
Nói đến phong trào văn nghệ quần chúng ở xã Bình Nghi, không thể không nhắc đến vai trò của “cặp bài trùng” Võ Tài và Lê Văn Đồng, cùng ở thôn Thủ Thiện Thượng. Ông Võ Tài, bà con địa phương quen gọi là Chín Tài, năm nay 67 tuổi, có thâm niên sáng tác kịch bản sân khấu cải lương, kịch nói, tiểu phẩm từ sau giải phóng đến nay. Còn Bốn Đồng (Lê Văn Đồng), 59 tuổi, vốn là kép nhứt của Đội cải lương Hoa Thế Hệ (thôn Bình Nghi 2), có năng khiếu viết lách, thông thạo dân ca, bài chòi.
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Nghi 2, cũng là khán giả “ruột” của hai “kịch tác gia” này, cho biết: “Thời sau giải phóng, bác Bốn Đồng là tác giả của những vở cải lương “Ba hồi trống lệnh”, “Trưng Nữ Vương”, “Ngày tàn bạo chúa”, “Trung - hiếu - nghĩa”… viết cho Đội cải lương Hoa Thế Hệ đi hát khắp trong, ngoài huyện. Những năm sau này, rộ nhu cầu tiểu phẩm, kịch ngắn tuyên truyền, bác chuyển sang viết thể loại này phục vụ cho các hoạt động phong trào của xã nhà. Bác Chín Tài hay tìm tòi, suy nghĩ, phác thảo nên những cấu tứ kịch ý vị, sâu xa; còn anh Bốn Đồng rành về làn điệu, văn vẻ mượt mà, lại xuất thân từ diễn viên nên phụ trách “chuyển thể” kịch bản rồi dàn dựng, tập cho anh em. Địa phương có “cặp đôi hoàn hảo” này, “đỡ” dữ lắm!”.
Điểm qua những cây bút tiểu phẩm phong trào nổi trội của huyện Tây Sơn, không nhắc đến ông Đặng Hồng Sơn (ở xóm 1, thôn Hữu Giang, xã Tây Giang) là một thiếu sót lớn. Từ nhỏ đã mê thơ ca, hò vè và làm bạn với sách văn học, nhưng nhà nghèo, ông Sơn chỉ được học đến lớp 4. “Năm 1965, tham gia công tác văn hóa quần chúng thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gia Lai, được cách mạng cho học đến lớp 10. Đặc biệt, từ năm 1967-1968, tui được cơ quan cho đi đào tạo nghiệp vụ 1 năm tại Trường Văn hóa Nghệ thuật khu V, nhờ vậy mà được bổ túc kiến thức, kinh nghiệm viết tiểu phẩm rất nhiều”, lão nông 72 tuổi này cho biết.
Mối duyên nợ với văn nghệ quần chúng càng bền chặt và có điều kiện phát huy khi một thời gian dài ông là Trưởng ban Văn hóa Thông tin xã Bình Giang (tên cũ trước khi tách xã của Tây Giang). “Tài lẻ của bác Chín Núi (tên thường gọi của ông Sơn) không chỉ trong phạm vi xã mà thỉnh thoảng có người ở các xã bạn hay hội, đoàn thể trên huyện tìm đến nhà “đặt hàng”. Riêng với xã nhà, hầu hết tiểu phẩm của Tây Giang đều nhờ một tay bác soạn thảo, hướng dẫn với tất cả sự tận tình”, anh Nguyễn Văn Sỹ, một người dân thôn Hữu Giang cho biết.
Thấm đẫm tình quê, tình người
“Ở Tây Sơn, có không ít nông dân gắn bó lâu năm, tâm huyết với công việc sáng tác tiểu phẩm phong trào, chuyên sáng tác có ông Võ Tài (Bình Nghi), Đặng Hồng Sơn (Tây Giang), kiêm cả biểu diễn như Lê Văn Đồng (Bình Nghi), Lê Bá Màu (Tây An)… Nhiều lần tham gia thẩm định, góp ý nội dung tiểu phẩm của các tác giả này, tôi thấy tiểu phẩm họ viết ra xúc động và gần gũi, rất “văn nghệ quần chúng””.
Ông NGUYỄN VĂN HÒA, Cán bộ nghiệp vụ Phòng VH-TT huyện Tây Sơn
Người của địa phương, tận mắt thấy tai nghe những sự việc diễn ra trên đất quê mình, lấy đó làm cảm hứng và đưa ít nhiều vào trong tiểu phẩm, vở diễn lại do chính những diễn viên quần chúng của địa phương ấy thể hiện, trước hết cho khán giả nhà. Đi sâu vào “quy trình khép kín” ấy mới thấy được phần nào ý nghĩa đằng sau mỗi tiểu phẩm phong trào.
Trong số rất nhiều tiểu phẩm mà “thầy - trò” Chín Tài và Bốn Đồng đồng tác giả, như “Mở đường”, “Hội làng văn hóa”, “Tuổi trẻ hôm nay - thế hệ ngày mai”, “Mặt trái của sự trá hình”… có dáng dấp người thật, việc thật ở Bình Nghi.
“Hơn 20 chục năm gắn bó với viết tiểu phẩm, tui nhớ nhất là tiểu phẩm “Nỗi đau ở cầu Nước Xanh” viết ngay trong đêm xảy ra vụ tai nạn giao thông tại cây cầu này (thôn 1, xã Bình Nghi) làm chết một người dân trong xã. Các diễn viên quần chúng của xã đã diễn tiểu phẩm này tại một buổi tuyên truyền về an toàn giao thông do Công an và Hội Nông dân huyện tổ chức. Trên sân khấu, cảnh mẹ đầu bạc khóc con tóc xanh, chồng mất bỏ lại vợ con bơ vơ… cũng chính là tình cảnh đau lòng của người bị nạn. Khi diễn tiểu phẩm đó, anh em chúng tôi đã khóc, đã đau rất nhiều, mong những nỗi đau như thế đừng xảy ra trên đời”, tác giả Bốn Đồng xúc động kể.
Mỗi khi nhận một chủ đề, nội dung tuyên truyền, trong đầu lập tức liên hệ với địa phương mình, để đong đầy thêm xúc cảm nơi người xem cũng đã thành thói quen sáng tác của lão “kịch tác gia” Chín Núi. Đọc những kịch bản tiểu phẩm dân ca viết tay của ông, “Đường đến hạnh phúc”, “Tìm về đồng đội”, “Chung một niềm vui”, “Làng tôi”… làm tôi hiểu thêm tiềm năng, thế mạnh, cảnh sắc, con người Tây Giang. Ông bảo: “Là chuyện ở quê mình, xấu- tốt, hay - dở gì cũng dễ khiến mình “tức cảnh sinh tình”, trong đầu, trong lòng cứ mãi nghĩ suy về nó, từ đó gợi liên tưởng, kết nối thành tích thành tuồng, nảy lên những thông điệp, nhắn nhủ… Người viết, người diễn trút vào đó cái vui mừng, buồn lo cho việc chung mà người xem cũng thấy gần gũi”.
SAO LY