Xóm chợ chiều
Con đường vào xóm chợ ngăn ngắt, thu mình trong chạng vạng. Từng gánh hàng rau đi về nén lại tiếng thở dài trong thinh lặng. Quê tôi buổi chợ chiều…
Xóm chợ khuất nẻo thị thành, im lìm nằm giữa bình yên. Nó nằm đầu con sông, nơi cuộn mình vào hun hút gió, hun hút nắng, và hun hút cái đục ngầu của phù sa. Tôi lớn lên bên xóm chợ nghèo từ những ngày bắt đầu biết nhặt nhạnh từng gốc mía, củ khoai bỏ sót lại sau buổi chợ tàn. Đó là nơi thổi cả tâm tình tuổi thơ, ấp iu từng hy vọng của một con bé đen nhẻm, gầy gò.
Xóm chợ chiều không tấp nập, không ồn ã tiếng nói cười, không náo nhiệt người giành mua từng bó rau, con tép. Chợ chiều cứ lặng lẽ tiếp diễn. Tôi lên bảy, ba phá khu vườn chuối ngự, trồng rau cho mẹ mang ra xóm chợ bán. Ba tôi thì vẫn thường đi đơm, đánh chài ở bên sông, lần nào về cũng một giỏ đầy ăm ắp cá tôm, cua ốc. Những giàn bầu giàn mướp mẹ trồng, tôi cũng đợi đến mùa ra quả ngọt.
Những “sản phẩm” của quê mình ấy được mang ra xóm chợ. Từ đó, cứ chiều chiều, tôi bám gánh hàng rau của mẹ, tới tận tối mới về. Mỗi bận có người mua, tôi háo hức xếp hàng vào giỏ xe của họ. Mẹ nheo mắt cười hiền từ. Mấy đứa con nít mắt hấp háy chờ những lượt bắp rang bơ đổ ra thơm phức, rồi tranh nhau nhặt từng hạt rơi vãi. Những lúc tôi chạy đi chơi, mẹ không quên đưa mắt trông, sợ tôi ra bờ sông nghịch, té xuống nước. Tôi lẻn ra phía cuối xóm chợ, chôn một hòn sỏi nhỏ, hồn nhiên chắp tay cầu may hôm nay mẹ sẽ đắt hàng. Cứ thế, mỗi viên sỏi nằm trong đất đều ấp ủ một niềm tin dai dẳng, hồn hậu.
Nghịch một hồi, tôi lại chạy về quệt mồ hôi vào tấm áo mẹ. Khi tiếng chuông chiều đã điểm tiếng cuối cùng, mẹ nhẫn nại ngồi thêm lát nữa, tôi cùng mấy đứa trẻ dạo một vòng quanh xóm chợ. Mùi ngai ngái của rác vùi trong đất ẩm, quánh lại. Bác Thơ, bác Khanh móc túi tiền được buộc chặt bằng dây chun xanh vào đai quần, ngồi sắp từng đồng bạc lẻ.
Năm tôi lên mười, mẹ đau nhiều, mấy lần phải đi viện. Mẹ tiếc vườn rau đang xanh tốt, nóng lòng về nhanh để bán, nhưng ba quyết không cho. Để qua vài ngày, rau già khụ, không ai mua cả. Ba tất bật chạy vào bệnh viện cả ngày, tôi tiếc hoài công mẹ, đánh liều mang rau đi bán. Tôi ngồi nép vào một góc, chỗ mẹ vẫn hay ngồi, đôi mắt háo hức khi từng người ngó vào những bó rau thấm mồ hôi mẹ.
Xóm chợ chiều có tuổi thơ tôi ở đó, có nỗi lo nhọc nhằn của mẹ và biết bao người dân thuần hậu quê nghèo và cũng có cả niềm hy vọng ánh lên từng ngày… Có lẽ vì rau nhà tôi xanh tươi, cũng có lẽ vì người ta thương cho con bé đen nhẻm, gầy gò, mà bữa đó, gánh rau hết sạch. Tôi ngồi nán lại hồi lâu khi xóm chợ chiều đã vãn, trông ra phía xa, tôi thấy một viên sỏi nhỏ hình như le lói sáng…
DƯƠNG HẰNG
Chị Dương Hằng, Đọc bài "Xóm chợ chiều" do chị viết, tôi có cảm tưởng sống lại một ngày quê tôi cũng có xóm chợ chiều. Bài viết đơn sơ, nhưng phản ảnh trung thực, với lối văn sáng sủa, điêu luyện. Có lẽ chị xa quê đã lâu nên không còn dùng cái lối văn "dân dã" của cái xứ nẫu này nữa. Hy vọng trong một bài nào đó, chị có thể diễn tả, dùng lối văn chất phát, nhưng ngọt ngào ấy, chẳng khác gì bữa cơm nhà nghèo với gạo lúa đỏ, có rau lang luột chấm nước cá bóng kho.