Bạo lực học đường: Xem xét lại áp lực từ xã hội
Chỉ trong thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường đau lòng, như giáo viên cho học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, giáo viên im lặng không giảng bài suốt 3 tháng, hay hiệu trưởng phạt 42 học sinh đứng ở ngoài hành lang hơn 2 giờ… Chúng tôi có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh- giảng viên Trường ĐH Ngoại thương.
Hình ảnh minh họa cho sự việc xảy ra tại một trường tiểu học ở Hải Phòng.
PV: Dạo gần đây xôn xao các vụ bạo lực học đường của giáo viên đối với học sinh. Đứng ở góc độ nhà giáo, bà có bình luận gì về những vụ việc vừa qua?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh: Tôi nghĩ nó là một vấn đề rất đáng buồn. Ngành giáo cũng là một ngành bình thường như những ngành khác. Tôi chỉ nghĩ ở khía cạnh con người, mình là người lớn các em là đứa trẻ con và mình được giao trách nhiệm để chăm sóc đứa trẻ đó. Tuy nhiên mình đã không làm tròn. Điều đó rất là tệ.
Nhưng tôi cũng nghĩ để xảy ra các câu chuyện như trên thì có phần lớn lỗi là của xã hội, tôi có viết trên facebook về vấn đề này, cái xã hội đối đãi với giáo viên và cái xã hội đòi hỏi giáo viên nó không cân bằng nhau.
Cái xã hội đối đãi với giáo viên thì rất là bạc, về lương bổng vô cùng thấp.
Thứ hai là thái độ của họ đối với giáo viên cũng không có gì tốt đẹp, ví dụ 20.11 thì phụ huynh đến tặng quà cho các giáo viên nhưng mà tặng không phải với lòng trân trọng mà lại nói những câu kiểu như “đưa cái phong bì cho xong chuyện” chẳng hạn.
Một đằng là đối xử đối với người ta rất kém. Mặt thứ hai lại cứ đòi hỏi người ta phải chuẩn mực, phải nghiêm túc, phải ngoan ngoãn. Những ai đã học tâm lý học thì đều biết một khi con người bị mất thăng bằng thì người ta sẽ có những hành xử không đúng đắn.
Người giáo viên mà sống lâu dài ở hoàn cảnh bị học sinh giàu có hơn mình, và phụ huynh chèn ép mình.
Thậm chí ngay trong trường đại học cũng thế tôi cũng từng bị phụ huynh chèn ép, đòi con họ phải được như thế này, có những mối quan hệ bị ép buộc. Với giáo viên tiểu học chuyện đó sẽ gặp thường xuyên.
Nhưng đồng thời, cái thứ hai họ lại có quyền để làm gì mấy đứa học trò thì làm.
Thế thì chúng ta phải thấy rằng, chúng ta công nhận những giáo viên đó nhân cách có vấn đề, và đạo đức không được ổn.
Nhưng ngược lại chúng ta phải thấy rằng, nguyên do cũng có một phần lớn là lỗi của xã hội.
Và thông thường tất cả các cơ sở trên thế giới người ta đều có bác sĩ để giám định tâm lý cho những người chăm sóc trẻ em, vì rất nguy hiểm.
Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có ai làm chuyện này, cho nên chúng ta không biết rằng những giáo viên này tâm lý có bình thường hay không?
Chúng ta có thể tưởng tượng chúng ta giao phó con mình cho người mà không ai giám định được cả cái năng lực cũng như là về tâm lý, rồi chúng ta lại đối xử với họ theo cách mà làm cho họ uất ức… Qủa tình đấy là việc chẳng khác gì giao trứng cho ác cả.
Nhiều người cho rằng trách nhiệm của nhà quản lý là rất lớn, có khi còn có cả lỗi của các nhà trường sư phạm. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ các nhà quản lý thì chắc chắn là có lỗi rồi. Trường hợp cô giáo im lặng suốt mấy tháng trời thì đã báo rất nhiều lần mà trường chẳng động đậy nhúc nhích gì cả. Bởi vì cái tính của người Việt Nam là thích dĩ hòa vi quý, tốt đẹp khoe ra xấu xa đạy lại.
Một khi mà tốt đẹp phô ra xấu xa đạy lại thì giống như một cái ung nhọt mưng mủ, đến một ngày đẹp trời sẽ vỡ ra. Bây giờ cái ung nhọt đã vỡ rồi.
Còn về trách nhiệm của trường sư phạm, tôi nghĩ chúng ta cũng nên nhìn lại và xem những môn mà chúng ta dạy là như thế nào.
Theo như tôi nhớ thì không hề có môn học nào dạy về đạo đức nghề nghiệp.
Trong khi đó, tất cả các ngành nghề trên thế giới khi đi học bắt buộc phải có môn đạo đức nghề nghiệp, ví dụ tôi dạy Kinh doanh thì có đạo đức kinh doanh, ngành báo là có đạo đức nghề báo.
Nhưng ở Việt Nam không có trường nào dạy chuyện này cả. Trong trường hợp người ta chẳng có tiêu chuẩn gì về đạo đức thì tình hình cũng rất là khó.
Khi đi dạy có bao giờ bà có dùng hình phạt với sinh viên không?
- Đại học thì sinh viên lớn rồi. Với lại, thông thường nhà trường chúng tôi có những quy định cho phép phạt sinh viên nghỉ học nhiều thì sẽ bị trừ điểm học trình, sinh viên nghỉ quá thì cấm thi.
Nhưng đối với chúng tôi thế là đủ, chúng tôi không phải nghĩ ra nhiều hình phạt. Sinh viên có bất kỳ hành xử nào khác thì trong trường bao giờ cũng có bảo vệ, mình có thể gọi bảo vệ.
Đầu tiên mình phải kiến tạo một môi trường giáo dục để an toàn cho cả giáo viên và học sinh. Vấn đề chính ở những ngôi trường chúng ta vừa nghe nói, họ không có môi trường an toàn cho cả giáo viên và học sinh.
Cô giáo kia trước kia từng bị học sinh nói là sẽ ghi âm để đánh cô, thì cũng không có biện pháp nào để bảo vệ cô. Cô giáo sẽ phản ứng ngược lại, nên thành ra chuyện như vừa rồi.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Phương Linh (daidoanket.vn)