“Ðo lường” độ phân hóa giàu - nghèo
Cục Thống kê tỉnh đang chủ trì thực hiện kế hoạch khảo sát mức sống dân cư và điều tra quyền số chỉ số giá tiêu dùng. Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Trương Minh Trí cho hay, đây là đợt khảo sát tổ chức trên quy mô toàn quốc theo quyết định của Tổng cục Thống kê, với nhiều nội dung quan trọng, phức tạp.
* Với tầm quan trọng đó, so với mọi năm, khảo sát lần này có những điểm nào đáng chú ý, thưa ông?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, khảo sát mức sống dân cư năm 2018 là cuộc điều tra chọn mẫu trong chương trình điều tra thống kê quốc gia nhằm thu thập thông tin để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê cho các cấp, các ngành để đánh giá tình trạng nghèo đói và “đo lường” phân hóa giàu - nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều.
Mặt khác, cuộc khảo sát năm nay cũng thực hiện thu thập thông tin để tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng cho giai đoạn 2019 - 2024; phục vụ hoạch định chính sách, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý, điều hành KT-XH của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, khảo sát về an ninh lương thực do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) phối hợp thực hiện.
So với khảo sát cùng chuyên đề các năm trước, một số chỉ tiêu đã được điều chỉnh để có đánh giá chuyên sâu hơn trong từng lĩnh vực. Có thể nói, kết quả khảo sát là cơ sở để so sánh mức sống dân cư giữa các vùng miền, giữa các địa phương trong cả nước, và mở rộng ra quốc tế. Đặc biệt, trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, thông số này rất quan trọng việc “minh bạch hóa” thông tin về mức sống dân cư để các tổ chức quốc tế hoạch định kế hoạch đầu tư, hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam.
* Khảo sát đặt ra yêu cầu bảo đảm mức độ đại diện của khu vực thành thị - nông thôn, 6 vùng KT-XH, với những nội dung nào được nhấn mạnh?
- Khảo sát được tiến hành với 2 nhóm đối tượng: hộ dân cư và các thành viên trong hộ; các xã có điểm khảo sát. Theo quy định chung, khảo sát được tiến hành 4 kỳ vào các tháng 3, 6, 9, 12; thời gian tham chiếu 30 ngày, nhưng cũng có những chỉ tiêu tham chiếu 12 tháng trước thời điểm khảo sát. Tại Bình Định, khảo sát mức sống được thực hiện tại 54 địa bàn và 19 địa bàn điều tra quyền số chỉ số giá thuộc 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Mỗi địa bàn khảo sát chọn ngẫu nhiên 18 hộ để thực hiện.
Điều tra viên và giám sát viên tiến hành khảo sát tại hộ dân.
Nội dung khảo sát được đề cập trên nhiều lĩnh vực để phản ảnh toàn diện mức sống của hộ dân và thông tin tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng, không đơn thuần chỉ là thu nhập, tài chính, tiêu dùng. Trong đó, đánh giá về thu nhập của hộ dân (thu nhập từ tiền công, tiền lương, hoạt động sản xuất và các khoản thu khác); chi tiêu; các thông tin để phân tích nguyên nhân và sự khác biệt về mức sống.
* Với độ phức tạp và toàn diện của khảo sát, cũng đồng thời đặt ra vấn đề đáng chú ý với đội điều tra viên, giám sát và sự hợp tác của người dân?
- Như tôi đã nói ở trên, khảo sát để các cấp, các ngành đánh giá tỉ lệ nghèo đói và sự phân hóa giàu nghèo của dân cư, tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng cho giai đoạn tiếp theo (2019-2024), phục vụ hoạch định chính sách, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý, điều hành KT-XH. Thêm nữa, chất lượng số liệu khảo sát phụ thuộc khá lớn vào những người trực tiếp thực hiện.
Bởi vậy, để đảm bảo chất lượng của kết quả khảo sát, đòi hỏi điều tra viên phải có hiểu biết chuyên sâu về thống kê, đồng thời là một tuyên truyền viên, có kỹ năng tuyên truyền thuyết phục để tranh thủ sự hợp tác của người dân. Quá trình khảo sát có nhiều câu hỏi “tế nhị”; đơn cử như vấn đề thu nhập phải khai thác tất cả các nguồn thu của các thành viên trong hộ, từ các nguồn chính thức cho đến “phi chính thức”. Luật Thống kê quy định, tất cả các thông tin khảo sát được đảm bảo bí mật, nhưng để người dân chia sẻ một cách chính xác đòi hỏi điều tra viên phải có “nghề” và kỹ năng.
30 điều tra viên và 11 tổ trưởng tham gia khảo sát năm nay đều là cán bộ thống kê, được chọn lựa và tập huấn rất kỹ. Đây là cuộc khảo sát quan trọng, để tiến hành đúng thời gian, tiến độ quy định của Trung ương, đảm bảo chất lượng thông tin thu thập vào phiếu khảo sát, yêu cầu các phòng nghiệp vụ của Cục Thống kê tỉnh và chi cục thống kê các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc kế hoạch, quy trình, quy định. Tăng cường khâu kiểm tra, giám sát thu thập thông tin tại địa bàn để cuộc khảo sát đảm bảo chất lượng, phản ánh sát, đúng mức sống, thu nhập và đời sống dân cư của tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)