HƯỚNG ĐẾN HỘI THI DIỄN XƯỚNG BÀI CHÒI DÂN GIAN HỌC SINH THCS TP QUY NHƠN LẦN THỨ I:
Trách nhiệm với di sản
Các đơn vị tổ chức và tham gia Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian học sinh THCS TP Quy Nhơn lần thứ I - 2018 (dự kiến vào ngày 21 và 22.4) đang nỗ lực, tích cực chuẩn bị cho hoạt động mang tính “mở màn” đưa di sản vào thế hệ trẻ này.
Tụ hội hiệu “nhí”
Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian học sinh THCS TP Quy Nhơn lần thứ I - 2018 do Trung tâm VH-TT&TT, Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn phối hợp tổ chức.
Học sinh các trường THCS ở Quy Nhơn tham gia tập huấn bài chòi.
Là hội thi đầu tiên trong tỉnh dành riêng cho đối tượng học sinh, đây quả thật là quyết tâm, bước tiến mới của TP Quy Nhơn trong bảo tồn, quảng bá di sản bài chòi. Điều đáng ghi nhận là ngay ở lần tổ chức đầu tiên này, Liên hoan có sự hưởng ứng, đăng ký tham gia của tất cả 21 trường THCS ở Quy Nhơn.
Theo Ban tổ chức, tại Liên hoan, học sinh các trường tham gia sẽ diễn xướng bài chòi, đồng thời tranh tài qua hình thức tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian. Mỗi trường cử một đội gồm 5 học sinh, biểu diễn 1 hội, 1 ván, thực hiện đầy đủ các bước của trò chơi trên như trình hiệu, trình thẻ, kiểm thẻ, hô mời, rút thẻ hô thai, hát kết dâng thưởng; đảm bảo một số yêu cầu cơ bản như hô đúng tên con bài, trình diễn tự nhiên, sinh động, có sự tương tác giữa các thành viên trong đội…
“Khi người của Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn về tận địa phương để tập huấn, chúng tôi đã đề xuất được tiếp quản, kéo dài chương trình tập huấn, hỗ trợ thêm. Thiết nghĩ đó cũng là trách nhiệm chung, cơ hội để mỗi nghệ nhân bài chòi được đóng góp cho di sản, cho địa phương. Tự nguyện làm việc này, chúng tôi rất hạnh phúc, ấm lòng”.
Nghệ nhân Trần Thái Thanh, Đội bài chòi cổ dân gian xã Nhơn Hải
Bên cạnh mục đích bồi dưỡng khả năng thực hành, diễn xướng di sản bài chòi, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn và tạo sân chơi cho thiếu niên địa phương, Hội thi cũng là hoạt động văn hóa chính của TP Quy Nhơn hưởng ứng Lễ đón nhận Bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (diễn ra tại TP Quy Nhơn vào ngày 28.4). Hội thi cũng ngầm thể hiện một thông điệp, đó là tại Bình Định - chiếc nôi của bài chòi - di sản đang được các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ, phát huy.
Chủ động phối hợp
Về phía cơ quan tổ chức, đáng ghi nhận là tinh thần chủ động, chu đáo trong chỉ đạo, triển khai của Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn. Bởi, trước khi ban hành kế hoạch, thông báo liên tịch về Hội thi, tất cả các trường đã được biết về hoạt động này và có sự chuẩn bị. Do vậy, không chỉ 100% trường tham gia mà chất lượng khâu tập huấn, tuy eo hẹp thời gian nhưng đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đã tình nguyện đến 5 xã để tập huấn cho học sinh 5 trường ở xa, đi lại khó khăn. Để phù hợp với Hội đánh bài chòi do học sinh diễn xướng, Trung tâm nỗ lực sưu tầm nhiều câu thai mang tính giáo dục và cung cấp cho tất cả các trường tham gia.
Đáng mừng và đáng ghi nhận hơn hết là sự chủ động chung tay cho hoạt động trên của các thầy cô giáo, nghệ nhân ở các địa phương. Tại Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Hội - 3 xã mà Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đã về tập huấn - dù yêu cầu chỉ cử 5 học sinh tham gia nhưng các trường chọn ít nhất là 10 em, nhằm “tranh thủ” tạo nguồn hạt nhân trẻ cho địa phương. Cùng với học sinh, giáo viên âm nhạc, phụ trách Đội, lãnh đạo nhà trường và một số nghệ nhân bài chòi ở mỗi địa phương cũng tham gia tập huấn, để đồng hành, hỗ trợ các em khi cần. Trường THCS Nhơn Lý đang mua thẻ bài chòi, nhạc cụ dùng cho hội đánh bài chòi, may trang phục hiệu cho học sinh để sắp đến tổ chức trong trường… “Vì những điều đó, Ban tổ chức chúng tôi rất hy vọng về thành công của Hội thi sắp đến”, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn Nguyễn Thị Quý Nhất, người trực tiếp đến các điểm trường ở xã để tập huấn, bày tỏ.
SAO LY