Xác định rõ địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam
Việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng Chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Dự án Luật CSB Việt Nam được xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra vào sáng nay, 10.4.
Dự án Luật CSB Việt Nam được xây dựng gồm 8 Chương, 49 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của CSB Việt Nam; quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSB Việt Nam.
Luật áp dụng đối với CSB Việt Nam; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam.
Lý giải về sự cần thiết xây dựng dự án luật, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về CSB Việt Nam hiện nay mới là pháp lệnh, nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSB Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật CSB Việt Nam là cấp bách và cần thiết.
Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng-An ninh (UBQPAN) bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật CSB Việt Nam nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng CSB Việt Nam bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng CSB Việt Nam. Đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
UBQPAN cho rằng, hồ sơ dự án luật đã được Chính phủ chuẩn bị đúng trình tự, thủ tục, các yêu cầu về nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Tuy nhiên, UBQPAN cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về địa vị pháp lý của CSB Việt Nam; phân tích, đánh giá tác động đối với một số chính sách mới so với quy định của pháp lệnh hiện hành và tác động của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia để cung cấp đầy đủ thông tin, phục vụ đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, cho ý kiến về dự án luật.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH, nhấn mạnh quan điểm, việc xây dựng dự án Luật CSB Việt Nam cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng Chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.
Theo đó, nghiên cứu phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng CSB Việt Nam với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ hoặc “khoảng trống” về trách nhiệm trên biển.
“Phải phân biệt rõ phạm vi hoạt động của lực lượng CSB Việt Nam, trước hết là giữa CSB Việt Nam với Bộ đội Biên phòng, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tập trung rà soát về nội dung và chỉnh lý về mặt kỹ thuật lập pháp để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo ngay trong dự thảo luật và với pháp luật có liên quan, nhất là những vấn đề có liên quan đến nguyên tắc tổ chức, quyền hạn, địa vị pháp lý của lực lượng CSB Việt Nam.
“Tuy được xây dựng trên nền của pháp lệnh, nhưng vấn đề về địa vị pháp lý của lực lượng CSB vẫn chưa rõ được rõ”, ông Nguyễn Khắc Định nhận định.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Cũng nói về địa vị pháp lý, chức năng của CSB Việt Nam, Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt cho rằng, đây là lực lượng chấp pháp trên biển, vì vậy, địa vị pháp lý, chức năng của lực lượng cần quan tâm bảo đảm theo các thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia. Có sự phân định rõ về chức năng, nhiệm vụ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư...
Liên quan đến nội dung về vị trí, chức năng của CSB Việt Nam (Điều 4), Báo cáo thẩm tra về dự án Luật của UBQPAN cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định “CSB Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” tại khoản 1 là chưa phù hợp với Hiến pháp và Luật Quốc phòng, chưa rõ về địa vị pháp lý của CSB Việt Nam, dễ dẫn đến cách hiểu CSB Việt Nam không thuộc Bộ Quốc phòng. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể CSB Việt Nam là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định này vì dễ gây hiểu là Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang trong giải quyết tranh chấp về kinh tế, về môi trường hay lĩnh vực dân sự.
Về vấn đề trên, UBQPAN cho rằng, dự thảo luật quy định CSB Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân là kế thừa pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng, nhất là trong tình hình hiện nay, đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của CSB Việt Nam.
Báo cáo thẩm tra cũng cho biết thêm, một số ý kiến cho rằng, quy định “CSB Việt Nam là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển” tại khoản 1 là chưa rõ, dẫn đến sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền với các lực lượng chuyên trách khác hoạt động trên biển theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị sửa lại theo hướng CSB Việt Nam thực thi pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên biển (lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế) để phân biệt với các lực lượng khác.
Về các ý kiến này, UBQPAN cho rằng, mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó, có nhiệm vụ chủ trì, có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ chức năng chủ trì của CSB Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, để bảo đảm trên các vùng biển phải có lực lượng chủ trì và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm được nhiều việc, nhưng một việc chỉ có một tổ chức chịu trách nhiệm.
Tại phiên họp, một số ý kiến thành viên UBTVQH đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 1 (Điều 5): “CSB Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ”, vì đây là nguyên tắc chung đối với lực lượng vũ trang theo quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng, trong khi đó, CSB Việt Nam là một bộ phận quân đội nhân dân. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật dễ gây hiểu là CSB Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, thống lĩnh trực tiếp của Chủ tịch nước và sự quản lý trực tiếp của Chính phủ, mà không thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định CSB Việt Nam do Bộ Quốc phòng quản lý, nhưng cần xác định rõ CSB Việt Nam tương đương cấp nào để thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này.
Ngoài ra, các thành viên UBTVQH cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung liên quan đến nhiệm vụ của CSB Việt Nam; quyền hạn của CSB Việt Nam; phạm vi hoạt động; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của CSB Việt Nam; việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng này;...
Theo Nguyễn Hoàng (Chinhphu.vn)