Xây dựng cánh đồng mẫu lớn: Cần tổ chức sản xuất theo chuỗi
Xác định việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm, là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhưng trong vụ sản xuất Ðông Xuân 2017-2018, nhiều địa phương không thực hiện tốt chủ trương của tỉnh.
Số lượng cánh đồng mẫu lớn giảm mạnh
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiệu quả kinh tế từ chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đối với đời sống sản xuất của nông dân trong tỉnh đã được khẳng định. Các địa phương cũng xem việc xây dựng CĐML tạo vùng sản xuất tập trung, có sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và DN) là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt.
Nông dân tham quan CĐML sản xuất lúa tại xã Phước Hưng (Tuy Phước).
Vụ Đông Xuân (ĐX) 2017-2018, các địa phương trong tỉnh có kế hoạch xây dựng 199 CĐML sản xuất lúa và các loại cây trồng cạn. Tuy vậy, toàn tỉnh chỉ thực hiện được 153 CĐML (146 cánh đồng sản xuất lúa và 7 cánh đồng sản xuất cây trồng cạn), tổng diện tích trên 8.477 ha, giảm 46 cánh đồng so với kế hoạch và giảm 23 cánh đồng so với vụ này năm trước.
“Vụ ĐX có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển sản xuất, là mùa vụ quan trọng nhất trong năm, nên các địa phương thường tăng cường xây dựng CĐML; nhưng vụ này nhiều địa phương không đảm bảo được kế hoạch. Đáng lưu ý, huyện Vân Canh không xây dựng CĐML nào; An Lão xây dựng được 2 CĐML sản xuất bắp diện tích 20 ha; Vĩnh Thạnh xây dựng 5 CĐML sản xuất lúa với diện tích 185 ha, Tây Sơn cũng chỉ thực hiện được 6 CĐML sản xuất lúa, diện tích 329 ha” - ông Lê Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết.
Ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh, cho rằng, diện tích đất sản xuất ở Vân Canh manh mún, nhỏ lẻ, rất khó quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Hơn nữa, trình độ sản xuất của nông dân còn hạn chế, khó đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật của các DN, nên DN không muốn phối hợp đầu tư xây dựng CĐML.
Ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, nhìn nhận: Nhiều DN không muốn ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dài hạn với nông dân bởi điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nông dân. Hơn nữa, diện tích đất sản xuất tại địa phương manh mún, số nông hộ tham gia CĐML quá nhiều, nên rất khó vận động và thống nhất triển khai. DN còn lo ngại giá và đầu ra sản phẩm trên thị trường biến động, sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, nhiều DN xin rút không tham gia xây dựng CĐML.
Cần tổ chức sản xuất theo chuỗi
Trước tình hình nói trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng CĐML, tổ chức sản xuất theo chuỗi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền ở cơ sở; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên tham gia CÐML và thực hiện chuỗi liên kết; chú trọng công tác hướng dẫn, giám sát thực hiện CÐML”.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Vụ Hè Thu năm 2018, Sở NN&PTNT phối hợp các địa phương tiếp tục vận động nông dân xây dựng thêm nhiều CĐML, lựa chọn các loại cây trồng có thế mạnh đưa vào sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, chủ động kêu gọi và tạo điều kiện cho các DN, đơn vị nghiên cứu, khuyến nông tham gia thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, cũng như giới thiệu, thử nghiệm các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trên những CĐML.
Cũng theo ông Hổ, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội đoàn thể trong thực hiện chương trình xây dựng CĐML là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, ở những địa phương, Đảng ủy, UBND và các hội đoàn thể thật sự vào cuộc; công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng đến nông dân, làm cho người dân hiểu rõ về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình thì ở đó việc xây dựng CĐML thuận lợi và hiệu quả. Bởi vậy, cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên tham gia CĐML và thực hiện chuỗi liên kết; chú trọng công tác hướng dẫn, giám sát thực hiện CĐML.
Các địa phương cũng cần liên kết với các DN, nhất là đối với các DN có khả năng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Về phía nông dân - người trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp - cần chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào thực tế, không nên trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để duy trì và phát triển CĐML, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các HTXNN, nông dân tham gia mô hình, trong đó chú trọng đến chính sách áp dụng cơ giới hóa, như: máy sạ hàng, máy cày, máy gặt đập. Mặt khác, cần tăng cường kinh phí khuyến nông cấp tỉnh, huyện để thực hiện xây dựng CĐML.
PHẠM TIẾN SỸ