Nỗi lo tai nạn giao thông từ xe máy độ chế
Hiện tượng thanh thiếu niên sử dụng xe máy độ chế lưu thông trên các tuyến đường liên xã, tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn tỉnh ta có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Hầu hết, xe máy độ chế được thay đổi kết cấu linh kiện so với thiết kế ban đầu theo hình thức 3 không “không còi, không đèn xi-nhan, không biển số” và được đôn dên, xoáy xi-lanh, tăng pic-tông cỡ lớn… để chạy cho nhanh.
Thanh thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, sử dụng xe máy độ chế chạy trên QL 19C với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT (ảnh chụp đoạn qua xã Phước Thành, huyện Tuy Phước).
Tại QL 19C qua địa bàn xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), tình trạng thanh thiếu niên sử dụng loại xe máy độ chế chạy trên đường diễn ra khá thường xuyên. Các đối tượng này không chỉ chạy xe với tốc độ cao, mà còn nẹt pô, rồ ga mỗi khi qua các khu dân cư. Nhiều người đi đường vội vã tấp xe vào lề mỗi khi nhìn thấy xe máy độ chế chạy trên đường vì sợ va quẹt dẫn tới TNGT. Không chỉ có trên quốc lộ, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng xe máy độ chế xuất hiện trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA tỉnh, mô tô hai bánh, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) tham gia giao thông phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; như hệ thống hãm phanh có tác dụng, bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn của từng loại xe, còi có âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật, các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định… Tuy nhiên, những chiếc xe độ chế thì không đáp ứng được các yêu cầu này. Nếu trường hợp người sử dụng xe độ chế gây TNGT rồi bỏ chạy sẽ rất khó truy tìm thủ phạm.
Trước tình hình này, đơn vị đã yêu cầu lực lượng tuần tra trên đường cần xử lý kiên quyết các đối tượng thanh thiếu niên sử dụng xe máy độ chế để lưu thông. Tuy vậy cái khó hiện nay là các đối tượng điều khiển phương tiện này thường chạy với tốc độ cao trên đường. Do đó, để xử phạt được các đối tượng này, các cán bộ, chiến sĩ phải theo dõi, giám sát kỹ lưỡng để khi xử lý mọi chuyện diễn ra an toàn mà không làm ảnh hưởng tới sự an toàn của người khác.
“Bên cạnh công tác xử lý, chúng tôi kiến nghị chính quyền các địa phương cần tổ chức rà soát số đối tượng sử dụng phương tiện này để có biện pháp giáo dục, răn đe; CA các xã (phường), thị trấn cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng sửa xe gắn máy nói không với các hoạt động độ chế, thay đổi kết cấu linh kiện phương tiện. Các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở cần vào cuộc tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, sử dụng phương tiện đúng với độ tuổi, không điều khiển xe độ chế lưu thông trên đường. Các đơn vị chức năng cần phải vào cuộc đồng bộ thì mới hy vọng giải quyết triệt để được hiện tượng này”, trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA tỉnh, cho biết.
NHƠN HỘI