Ban Bí thư họp nghe báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 và Chỉ thị 05
Ngày 10.4, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Ban Bí thư đã họp, nghe báo cáo tổng hợp kết quả năm đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại 15 địa phương và cơ quan T.Ư trong năm 2017. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra T.Ư báo cáo, các đồng chí trong Ban Bí thư thảo luận, Tổng Bí thư phát biểu kết luận buổi họp. Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Tổng Bí thư cho rằng, việc kiểm tra tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là công việc thường xuyên và rất cần thiết. Qua kiểm tra để thấy được ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, từ đó bàn hướng chỉ đạo làm tiếp. Với các địa phương, cơ quan đã được kiểm tra, cho thấy, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cụ thể, đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng những vấn đề đột phá, khó, bức xúc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân và có lộ trình thực hiện. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, như cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thành những nội dung chi tiết, dễ nhận diện; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ; công khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện của cán bộ chủ chốt tại công sở, trên trang thông tin điện tử địa phương để nhân dân giám sát, kiểm tra. Việc kiểm điểm cán bộ thực hiện các nghị quyết, chỉ thị nêu trên được gắn với kiểm điểm cuối năm theo hướng thực chất hơn, thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm và có kế hoạch khắc phục; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu được xác định rõ hơn. Những cán bộ, tổ chức đảng sai phạm được xử lý nghiêm túc, kịp thời. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm, đặt trong tổng thể quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đồng thời gắn với tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vì thế vai trò, vị thế, uy tín của Đảng ngày càng cao, tạo khí thế mới, niềm tin mới trong nhân dân,v.v.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng bài bản, đúng kế hoạch; sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm của người đứng đầu ngày càng rõ nét hơn. Việc tổ chức triển khai được thực hiện đồng bộ, vừa chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, vừa xây dựng thể chế, quy chế để phòng ngừa sai phạm, đồng thời vừa tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật. Sau khi có nghị quyết, nhiều quy định, nhất là về công tác cán bộ, công tác kiểm tra được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện bài bản, khoa học và chặt chẽ; kết hợp giữa xây và chống, xây là cơ bản, nhưng chống cũng quyết liệt. Những sai phạm được chỉ rõ để có biện pháp khắc phục, nếu đến mức xử lý thì xử lý nghiêm minh đúng pháp luật. Chính vì làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân, tạo thành phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vai trò, vị thế, uy tín của Đảng ngày càng được nâng cao cả trong nước và trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, chuyển biến nêu trên là kết quả bước đầu quan trọng, nhưng chưa toàn diện, chưa sâu sắc, chưa đồng bộ giữa các địa phương, các ngành; việc tự kiểm tra, tự phê bình và phê bình, nhất là việc giám sát quyền lực, vai trò giám sát của nhân dân, mặt trận Tổ quốc còn hạn chế; tính công khai có chuyển biến nhưng cần mở rộng hơn. Đã chú ý ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống, nhưng những diễn biến về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa được quan tâm đúng mức; việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa có nhiều sáng kiến... Một số địa phương chưa mạnh dạn tự phê bình và phê bình, còn nể nang né tránh; chưa thật sự chủ động trong công tác kiểm tra, chưa quyết liệt trong xử lý sai phạm.
Tổng Bí thư cho rằng, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp vì liên quan đến con người, tổ chức, lợi ích nhóm, do vậy cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, nêu cao hơn nữa sự nêu gương và vai trò của người đứng đầu. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy những kinh nghiệm có được trong thời gian vừa qua, như phải tiến hành toàn diện, đồng bộ, huy động cao độ các lực lượng cùng tham gia; thực hiện bằng cơ chế, luật pháp, xử lý nghiêm sai phạm; phát huy vai trò nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng công tác tuyên truyền, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư cũng lưu ý, ai đó còn cảm thấy lo ngại vì đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ làm nhụt ý chí của cán bộ thì hãy dẹp sang một bên để người khác làm.
Theo BẮC VĂN (NDĐT)