Ngăn “mầm độc”!
Sự phát triển mạnh mẽ của internet trong những năm gần đây đã tạo nên một xa lộ thông tin kết nối toàn cầu thành một “thế giới phẳng”. Trên nền tảng đó, các mạng xã hội như yahoo, twitter, facebook… ra đời, đã tạo điều kiện cho mọi người dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin, tình cảm, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm cũng như có thể bày tỏ suy nghĩ về mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Nếu sử dụng với mục đích nhân văn, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giao tiếp lành mạnh, hỗ trợ đắc lực đối với đời sống và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh số đông sử dụng mạng xã hội một cách tích cực và có trách nhiệm, thì cũng có không ít “tín đồ” mạng xã hội, vì nhiều lý do đã gây ra những tác hại không nhỏ đối với cộng đồng. Lướt qua các mạng xã hội có thể thấy cùng với những thông tin hữu ích còn có đủ thứ rác rưởi độc hại gây nhiễu nhương cho đời sống cộng đồng. Không ít kẻ đã phát tán thông tin sai lệch, thậm chí vu cáo, xúc phạm các tổ chức và cá nhân, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt cho xã hội. Một số người sử dụng các blog cá nhân đăng tải, truyền bá, phát tán những thông tin sai lệch hoặc xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nghiêm trọng hơn, gần đây các thế lực thù địch đã và đang biến mạng xã hội trở thành một công cụ tuyên truyền những quan điểm sai trái, phản động; phát tán thông tin sai lệch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại an ninh, gây bất ổn trong xã hội…
Đây là những “mầm độc” hết sức nguy hiểm, nếu không có giải pháp quyết liệt để quản lý internet và các mạng xã hội, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và tích cực thì sẽ tạo ra các ảnh hưởng tiêu cực gây nguy hại cho sự phát triển ổn định của đất nước.
Để ngăn chặn những “mầm độc” này, đã có một số ý kiến đề xuất việc “đóng cửa” mạng xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, internet là công nghệ mang tính đột phá mang lại nhiều tiện ích chứ không phải là kẻ “tội đồ”, giải pháp “đóng cửa” là không cần thiết và không phù hợp với xu thế phát triển. Vì vậy, vấn đề đặt ra là tạo ra hành lang pháp lý để phát huy giá trị tích cực của internet, của mạng xã hội với những ưu điểm vượt trội của nó, đồng thời hạn chế những tiêu cực đối với đời sống và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển internet tại Việt Nam và bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ và thông tin trên internet, ngày 15.7.2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 1.9.2013.
Trong đó, điểm đáng lưu ý là để tăng cường bảo đảm an toàn và an ninh thông tin trên mạng, Nghị định quy định rõ một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo… Đây là chế tài cần thiết và phù hợp với bối cảnh thực tế.
Để Nghị định 72 của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, cùng với việc tăng cường trách nhiệm của các ngành liên quan, mỗi cư dân trong cộng đồng mạng cần tự điều chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội để ngăn ngừa “mầm độc” lây lan, cùng góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.
HẢI ÐĂNG