Khó phát triển đội ngũ công chứng viên
Trước năm 2015, toàn tỉnh có 22 công chứng viên, đến nay cũng chỉ có 29 công chứng viên đang hành nghề trong các tổ chức hành nghề công chứng. Nhiều rào cản khiến đội ngũ công chứng viên chưa thể mở rộng.
Việc phát triển lực lượng CCV trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn.
“Khủng hoảng” thiếu
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, tất cả các công chứng viên (CCV) đều có trình độ cử nhân Luật, được bổ nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đội ngũ CCV được bổ nhiệm trong tổ chức hành nghề công chứng đa phần thuộc diện được miễn đào tạo nghề và tập sự hành nghề công chứng. Do đó, khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, sai sót khi thực hiện công chứng.
Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) Lê Minh Tài cho hay, theo quy định tại Luật Công chứng năm 2014, văn phòng công chứng (VPCC) phải có từ 2 CCV trở lên, được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và người đại diện VPCC phải hành nghề công chứng từ 2 năm trở lên. Để đảm bảo số CCV cho quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo lộ trình giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh cần phát triển thêm 24 CCV. Với 29 CCV hiện có, việc đáp ứng đủ lượng CCV để thành lập mô hình VPCC theo loại hình công ty hợp danh là rất khó khăn.
Thiếu CCV cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo quy hoạch đủ số lượng tổ chức hành nghề công chứng. Theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, đến mốc thời gian này tại tỉnh Bình Định sẽ có 24 tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 quy hoạch 15 tổ chức, giai đoạn 2016 - 2020 quy hoạch 9 tổ chức. Thực hiện lộ trình phát triển giai đoạn 2011- 2015, tỉnh Bình Định đã thực hiện quy hoạch được 14 tổ chức hành nghề công chứng phân bổ tại 8/11 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, TP Quy Nhơn có 2 phòng và 3 văn phòng, TX An Nhơn 2 văn phòng, huyện Hoài Nhơn 1 phòng và 1 văn phòng; Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Ân mỗi huyện 1 văn phòng.
Tuy nhiên, đến tháng 7.2015 VPCC huyện Hoài Ân đã xin chấm dứt hoạt động; đến tháng 5.2017 tới lượt VPCC Đất Võ (tại huyện Phù Mỹ) cũng xin chấm dứt hoạt động do không đủ số lượng 2 CCV để chuyển đổi loại hình công ty hợp danh theo quy định Luật Công chứng. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 12 tổ chức hành nghề công chứng, so với lộ trình phát triển giai đoạn 2011 - 2015 còn thiếu 3 tổ chức tại huyện Tây Sơn, Phù Mỹ và Hoài Ân. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh cũng chưa phát triển được VPCC nào vì khó khăn về số lượng CCV và nguồn để bổ nhiệm CCV.
Gian nan tập sự hành nghề công chứng
Theo quy định của Luật Công chứng, để được bổ nhiệm CCV thì phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn, trong đó có điều kiện “phải hoàn thành tập sự hành nghề CCV theo thời gian quy định là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và 6 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng công chứng”. Thế nhưng, theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BTP (hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng), người đang là cán bộ, công chức, viên chức (trừ viên chức làm việc tại phòng công chứng) thuộc diện không được đăng ký tập sự. Ngay cả khi được phép, các trường hợp đang công tác tại các cơ quan khác cũng khó bố trí thời gian để tập sự tại các tổ chức hành nghề công chứng trong thời gian dài như vậy. Đây là vướng mắc đang nảy sinh trong thực tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan, đối với những trường hợp công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị sự nghiệp khác thuộc Sở Tư pháp đã được quy hoạch, dự kiến bố trí làm CCV, Sở đã “vận dụng” bằng việc ban hành quyết định chuyển công tác đến các phòng công chứng. Đến lúc này lại phát sinh vướng mắc về việc phân định rõ ràng giữa viên chức và công chức theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010. Người lao động làm việc tại các phòng công chứng là viên chức (trừ chức danh trưởng phòng), trong khi đó những trường hợp công tác tại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp là công chức. Việc điều động từ công chức thành viên chức là phải theo quy trình và quy định của pháp luật có liên quan, không dễ dàng thực hiện và phải xin ý kiến của Sở Nội vụ. Chưa hết, trong trường hợp chỉ tiêu biên chế được giao cho các phòng công chứng đã được sử dụng hết thì phương án này cũng không thể thực hiện được.
“Hiện nay, địa phương đang cần tạo nguồn từ công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp để đề nghị bổ nhiệm CCV nhưng gặp phải vướng mắc quy định hiện hành về tập sự hành nghề công chứng. Để tạo thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc phát triển nguồn CCV và tạo điều kiện cho các Sở Tư pháp thuận tiện trong công tác tổ chức cán bộ có liên quan, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm hướng dẫn cụ thể về vấn đề này và kiến nghị với cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tế”, bà Lan cho hay.
Bên cạnh tập sự, việc tổ chức các khóa đào tạo nghề công chứng cũng cần được quan tâm hơn. CCV Trần Minh Thiện, Trưởng VPCC AB (85 Ngô Mây, TP Quy Nhơn) cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện có ít nhất 30 người đủ điều kiện và có nguyện vọng được đào tạo. “Nếu khóa đào tạo nghề công chứng được tổ chức ngay tại Bình Định thì sẽ thu hút người tham gia từ Phú Yên, Gia Lai…”, ông Thiện nói.
NGUYỄN VĂN TRANG