“Hậu tạ” là gì?
Xem những mẩu tin tìm người thân, tìm giấy tờ đánh rơi trên các phương tiện truyền thông, chúng ta thường gặp ở cuối mẩu tin ấy câu “Tôi xin chân thành cảm ơn và hậu tạ”. Trong câu này, “hậu tạ” có nghĩa là gì?
Hầu như ai cũng cho rằng “hậu tạ” là “cảm ơn sau, tạ ơn về sau” (hậu= sau; tạ = cảm ơn). Đây là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng. Bởi “hậu tạ” có nghĩa khác hoàn toàn. Từ “hậu” trong tiếng Hán được người Việt vay mượn có nhiều nghĩa. Trong đó, có các nghĩa chủ yếu sau: 1. “khí hậu”; 2. “dày” (như trong từ thâm hậu = sâu dày, trọng hậu = nặng dày); 3. “vợ của vua” (như trong từ hoàng hậu); 4. “sau, phía sau” (như trong thành ngữ tiền hậu bất nhất = trước sau không như một). Trong các nghĩa trên, nét nghĩa “sau” (dùng cho cả không gian lẫn thời gian) được dùng phổ biến nhất (lượng từ vựng tiếng Việt có từ “hậu” này cũng nhiều hơn cả).
Vì nét nghĩa “hậu” = “sau” được dùng phổ biến, quen thuộc nên nhiều người nhầm “hậu tạ” là “cảm ơn về sau”, “tạ ơn sau (khi được giúp đỡ)”.
Thật ra, “hậu” trong “hậu tạ” có nghĩa là “dày”, về sau phát sinh nghĩa như trong các từ “hậu hĩnh”, “nồng hậu”. Do đó, “hậu tạ” có nghĩa là “trả ơn một cách trọng hậu”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992) định nghĩa là “trả ơn một cách đầy đủ, xứng đáng, bằng tiền bạc, của cải vật chất”.
Dùng “hậu tạ” với nghĩa “cảm ơn về sau”, người cần sự giúp đỡ chẳng những không thể hiện được ý sẽ đền ơn “xứng đáng, đầy đủ” mà còn dễ biến mình thành người khiếm nhã. Bởi, với nghĩa “tạ ơn sau” như trên, sẽ có một tiền giả định là “nếu không giúp được thì sẽ không tạ ơn”. Cũng giống như trong các đơn xin việc, xin phép…, người ta thường viết: “Nếu được chấp thuận/trong thời gian chờ sự chấp thuận, tôi xin chân thành cảm ơn”. Hóa ra, chỉ khi nào được chấp thuận (chứ không phải trường hợp không được chấp thuận) hoặc chỉ trong thời gian chờ được chấp thuận (chứ không tính thời gian sau khi được chấp thuận), người xin việc/phép mới cảm ơn.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ