QUA CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU “TIẾNG VIỆT CỦA CHÚNG EM” DÀNH CHO HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ BẬC TIỂU HỌC:
Nhiều chuyển biến đáng phấn khởi
Qua chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh dân tộc thiểu số bậc tiểu học cấp tỉnh năm học 2017-2018 vừa diễn ra, các đơn vị dự thi đã cho thấy những chuyển biến vượt bậc trong chất lượng giáo dục tiếng Việt ở vùng miền núi, trung du.
Trao giấy khen cho các học sinh đạt giải nhất viết chữ đẹp.
Gây bất ngờ nhất là những phần thể hiện xuất sắc của các học sinh đến từ huyện Hoài Ân, giúp Phòng GD&ĐT huyện này lần đầu tiên đạt giải nhất toàn đoàn ở chương trình giao lưu. Với các giải cá nhân, học sinh Hoài Ân cũng đạt giải nhất viết chữ đẹp (khối lớp 3), giải nhất kiến thức - kỹ năng tiếng Việt (khối lớp 1, lớp 2) cùng 2 giải chuyên đề là: kể chuyện hay nhất và trang phục dân tộc đẹp nhất.
Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh năm nay cũng có được kết quả mỹ mãn khi xếp nhì toàn đoàn. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, sau chương trình giao lưu cấp huyện trong tháng 3, Phòng đã chọn ra một đội ngũ nòng cốt để tập luyện đi thi cấp tỉnh. “Mọi năm chúng tôi ưu tiên chọn những em ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn để đi thi cấp tỉnh, nhưng năm nay cứ em nào nổi trội là được chọn vào đội và tạo mọi điều kiện để tham gia luyện tập cùng các bạn. Trong đó, có một số em ở tận xã vùng cao Vĩnh Sơn”.
Trong hai ngày (9 và 10.4), với 4 nội dung giao lưu: chào hỏi, năng khiếu (hát, kể chuyện), viết chữ đẹp và kiến thức - kỹ năng tiếng Việt, 50 học sinh dân tộc thiểu số tiểu học tiêu biểu trong toàn tỉnh đã thể hiện năng lực của mình, khẳng định được vốn kiến thức tiếng Việt mà các em đã được trang bị ở trường học cũng như trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, nhiều đơn vị đã trình bày các tiểu phẩm chào hỏi sinh động, giới thiệu khái quát được về địa phương, trường lớp của mình và thể hiện được tinh thần giao lưu học hỏi, đoàn kết… Nhiều bài viết của học sinh có nét chữ đều, đẹp, đúng quy cách, khắc phục được hiện tượng viết thiếu dấu thanh. Thông qua bài thi kiến thức, kỹ năng tiếng Việt, các học sinh dân tộc thiểu số đã chứng tỏ vốn từ tiếng Việt khá phong phú, biết cách hành văn, diễn đạt tốt.
“Vốn kiến thức và kỹ năng sử dụng tiếng Việt được các đội thi thể hiện qua phần văn nghệ với nhiều giọng hát hay, biểu diễn đẹp, đều, đúng nhịp điệu, mang đậm bản sắc các dân tộc. Nhiều phần thi kể chuyện của các em hấp dẫn, sinh động, truyền cảm, gây xúc động cho người nghe”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức chương trình giao lưu, nhận xét.
Chương trình giao lưu đã khép lại trong niềm vui về sự chuyển biến đáng phấn khởi về vốn tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số bậc tiểu học. Cứ 2 năm một lần, Sở GD&ĐT tổ chức chương trình và xem đây là một trong những hoạt động lớn của ngành trong nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học tiếng Việt. Thông qua chương trình, các phòng GD&ĐT, các trường, giáo viên còn có dịp nhìn lại vốn kiến thức, kỹ năng ứng xử, giao tiếp tiếng Việt của học sinh mình trong bối cảnh chung toàn tỉnh, để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung trong dạy học môn này.
“Rất mong các phòng GD&ĐT tiếp tục quan tâm và có những hình thức tăng cường tiếng Việt phù hợp để nâng cao khả năng học tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng học tập các môn văn hóa nói chung ở trường tiểu học”, bà Điển bày tỏ.
NGỌC TÚ