Chủ tịch MTTQ kiêm Trưởng Ban Dân vận: Mô hình nhìn từ Quảng Ninh
Đến nay, Quảng Ninh đã nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Dân vận cấp ủy là Chủ tịch MTTQ huyện tại 14/14 địa phương. Tỉnh cũng đã bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình này ở cấp tỉnh.
Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa phân công, giới thiệu bầu ông Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, làm Trưởng khối cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh.
Tỉnh ủy cũng phân công, điều động ông Phạm Văn Điệt, Tỉnh ủy viên thôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh để giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Đây cũng là một trong những bước tiếp sau việc thí điểm thực hiện mô hình Cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện được thực hiện bắt đầu từ năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (ảnh: báo Quảng Ninh)
Nhất thể hóa Trưởng ban Dân vận là Chủ tịch MTTQ 14/14 huyện
Theo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ tỉnh Quảng Ninh, đến nay mô hình Cơ quan khối cấp huyện đã được triển khai tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, đã nhất thể hóa chức danh trưởng Ban Dân vận cấp ủy là Chủ tịch MTTQ huyện tại 14/14 địa phương.
Khi mới thành lập mô hình, cơ bản các địa phương giữ nguyên biên chế hiện có, gồm 295 người và cán bộ công chức được sắp xếp theo vị trí việc làm ở các bộ phận phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, sở trường và các vị trí công tác của từng ban. Sau 2 năm, cơ quan khối cấp huyện thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế còn 258 người, giảm 37 người (12,5%).
Sau 2 năm hoạt động thí điểm, mô hình có những hiệu quả tích cực, khắc phục được những bất cập trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội. Trong đó, khắc phục được tình trạng hành chính hóa, công văn giấy tờ, giảm được các cuộc họp, các cuộc kiểm tra, giám sát... Đồng thời, xây dựng được bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh, khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo, tinh giản được biên chế. Cũng từ việc sắp xếp lại mô hình tổ chức, nhiệm vụ chuyên biệt của từng tổ chức được cả hệ thống quan tâm, chung tay, lúc cần thì huy động lực lượng công chức, cán bộ của cả Cơ quan khối tham gia hỗ trợ.
“Ban đầu, khi mới thực hiện thí điểm, cũng có chuyện anh em ở các tổ chức băn khoăn, tâm tư. Nhưng sau 2 năm, mô hình này thực hiện rất tốt, gắn kết và tập trung và các hoạt động chính trị của địa phương, lựa chọn một số nhiệm vụ địa phương một cách hiệu quả chứ không dàn trải. Giờ đây, những việc khó liên quan đến dân là cấp ủy và chính quyền địa phương đều phải trao cho cơ quan khối này làm”- ông Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, đổi mới tổ chức phải trên cơ sở nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận, tinh gọn bộ máy theo hướng chất lượng cán bộ cao hơn, đáng tin cậy hơn với Đảng nhưng phải có uy tín cao hơn với dân.
“Mô hình đổi mới ở Quảng Ninh là mô hình đổi mới đúng đắn theo hướng vừa tinh gọn vừa có chất lượng, hiệu quả cao, cần được thể nghiệm, tổng kết để nhân rộng. Không thể có chất lượng, hiệu quả khi bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Điều kiện hiện nay là phải tổ chức nào, cơ quan nào cũng phải có chức năng nhiệm vụ rõ ràng, hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Sự tác động và hỗ trợ phải theo từng phương thức khác nhau, phát huy thế mạnh của từng cơ quan, tổ chức, nâng cao vị trí, vai trò nhằm bảo đảm việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Không lấn sân, chồng chéo, vướng chân nhau mà hiệu quả không cao”- ông Chức nhận xét.
Giảm từ 33 Ban chuyên môn của 6 tổ chức xuống còn 6 Ban
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, năm 2015, khi thưc hiện thí điểm Cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện thì tỉnh phải xin phép Ban Bí thư và được Ban Bí thư đồng ý mới bắt đầu thực hiện.
Nhưng nay thí điểm ở cấp tỉnh có thuận lợi là Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành Nghị quyết số 18 về “đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, nên tỉnh không phải xin phép mà thực hiện luôn việc tinh gọn bộ máy của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.
Theo đó, sau 2 năm thí điểm mô hình cấp huyện, Quảng Ninh đã xây dựng đề án thí điểm mô hình cấp tỉnh. Trong đó nhấn mạnh, việc đổi mới phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy vai trò tập trung thống nhất hành động của cả khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương…
Đồng thời, nâng cao hiệu quả của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện, cấp tỉnh; xây dựng sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo chất lượng, cơ cấu hợp lý.
Theo đề án thí điểm, về bộ máy Cơ quan khối gồm: Thủ trưởng cơ quan khối là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ. Phó Thủ trưởng cơ quan là trưởng các tổ chức chính trị-xã hội. Các bộ phận giúp việc ở cấp huyện gồm: Văn phòng và 3 tiểu ban là Tuyên truyền, Vận động; Kiểm tra, Giám sát; Dân chủ Pháp luật.
Các Bộ phận giúp việc của cấp tỉnh gồm: Văn phòng và các ban chuyên môn: Tuyên truyền-Vận động; Kiểm tra- Giám sát; Chính sách-Pháp luật; Tổ chức; Kinh tế-Xã hội. Từ 33 Ban chuyên môn của 6 tổ chức, xuống còn 6 Ban, giảm 27 Ban chuyên môn; giảm 69/69 chức vụ lãnh đạo là trưởng, phó các Ban chuyên môn, Văn phòng của 6 tổ chức.
Mới đây, ngày 4.4, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức công bố quyết định thành lập Cơ quan khối cấp tỉnh, kiện toàn và nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Dân vận là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Cơ quan khối cấp tỉnh sau khi ra mắt đã tổ chức sắp xếp tổ chức bộ máy tham mưu theo các Ban, xây dựng quy chế làm việc, quy chế quản lý tài chính và chi tiêu nội bộ…
Việc triển khai mô hình cơ quan khối cấp tỉnh là điều kiện đảm bảo cho mô hình Cơ quan khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội hoạt động thông suốt, hiệu quả từ tỉnh tới cơ sở, đảm bảo giữ vững định hướng chỉ đạo của Đảng, giữ vững và phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.
“Khi thực hiện mô hình thí điểm ở cấp tỉnh, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, khối lượng công việc sẽ lớn hơn. Nhưng với kinh nghiệm từ mô hình tổ chức ở cấp huyện đang vận hành tốt, tôi tin sẽ không có gì vướng, mà sẽ là điều kiện rất thuận lợi để chúng tôi thực hiện mô hình thí điểm ở cấp tỉnh”- ông Hưởng nhận định.
Theo Phạm Hà (VOV)