Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Tích cực nhưng...
Việc Chính phủ có ý định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) từ 20-22% xuống còn 15-17% đã tạo ra nhiều phản ứng tích cực trên thị trường.
Trong khuôn khổ hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ có ý định cắt giảm thuế thu nhập DN từ mức 20 – 22% xuống còn 15 – 17% nhằm làm cho môi trường đầu tư tại Việt Nam hấp dẫn hơn.
Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 15-17% (Ảnh minh họa: KT)
Đây không phải là lần đầu tiên việc giảm thuế xuống còn 15 - 17% được nhắc đến. Tháng 8/2017, Bộ Tài chính cũng đề xuất áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ (doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) và mức 17% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (số lao động bình quân không quá 200 người, tổng doanh thu từ 3 - 50 tỷ đồng/năm).
Thúc đẩy tinh thần kinh doanh
Trước “tiết lộ” giảm thuế thu nhập cho DN của Thủ tướng, nhiều ý kiến cho rằng việc giảm thuế sẽ tác động mạnh mẽ tới ý chí kinh doanh, niềm hứng khởi kinh doanh của DN. Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới trên 95% tổng số DN. Do vậy, việc giảm thuế thu nhập DN sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN, giúp DN có thêm một số tiền bổ sung vào nguồn vốn tự có để đầu tư sản xuất kinh doanh. Và khi doanh nghiệp kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển, trong đó sự đóng góp của DN vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù giảm thuế suất.
“Sự hỗ trợ về thuế thu nhập DN giảm từ 20% xuống còn 15-17% mặc dù con số đó không lớn lắm nhưng thực sự đó là sự hỗ trợ rất tốt cho các DN nhỏ. Khi mà sức – lực của các DN start-up còn hạn chế, cần sự nâng đỡ, hỗ trợ thì sự hỗ trợ này dù nhỏ cũng rất tốt”, ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại đặc sản Việt Nam cho biết.
Chính sách giảm thuế này nếu thực thi được kỳ vọng sẽ đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới ban hành. Thực tế trong nhiều năm qua, hoạt động của các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn với thuế suất cao, sức cạnh tranh kém, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thấp khiến các DN ngày càng sụt giảm về quy mô và không thể tiếp tục duy trì hoạt động, trong khi nhóm doanh nghiệp FDI lại thường nhận được khá nhiều ưu đãi về thuế.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam nhận định, đề xuất giảm thuế thu nhập DN là một đề xuất tích cực. Thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính luôn cố gắng đưa thuế thu nhập DN giảm xuống từ 25% – 22% rồi 20% vào năm 2016. Trong khi, mức thuế suất này ở nhiều nước khác trong khu vực (như Lào, Malaysia, Indonexia, Trung Quốc, Nhật Bản…) hiện dao động trong khoảng 20-26%.
“Giảm thuế đồng nghĩa việc giảm áp lực tài chính, DN sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh có lãi và nộp nhân sách. Như vậy, giảm thuế chưa chắc đã giảm thu”, ông Đào Huy Giám nhận định.
Giảm thuế liệu có giúp DN bứt phá?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thuế thu nhập DN giảm xuống còn 15% và 17% chỉ có tác dụng khi phần lớn DN kinh doanh có lãi. Trong khi thực tế, báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới công bố cho thấy, tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ hiện lên đến hơn 48% tổng số DN. Do đó, với mức thuế suất nào thì phần lớn các DN này cũng không phải đóng thuế nên việc giảm thuế thu nhập DN không có tác dụng nhiều đến DN.
Hơn 48% tổng số DN hiện đang thua lỗ (Ảnh minh họa: KT)
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chủ trương giảm thuế thu nhập đối với DN là tốt nhưng chưa đủ. Về lâu dài, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN. Cần xây dựng chính sách thuế minh bạch, tạo thuận lợi doanh nghiệp. Đồng thời, việc hỗ trợ DNNVV cần được thực hiện xuyên suốt với nhiều biện pháp khác nhau.
“Ngoài chính sách thuế thì chính sách tín dụng cũng cần thay đổi, chính sách về mặt bằng sản xuất, đặc biệt đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, cần có sự quan tâm hơn để cho DN dễ dàng tiếp cận được với mặt bằng phục vụ cho sản xuất được dễ dàng”, ông Tô Hoài Nam nêu ý kiến.
Cùng với định hướng chính phủ kiến tạo, cắt bỏ các giấy phép con và thủ tục rườm rà, thì việc cải cách chính sách thuế sẽ tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn cho không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà còn là các DN nội địa. Tuy nhiên, PGS.TS Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến cáo, bên cạnh hỗ trợ giảm nghĩa vụ nộp ngân sách (thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp), việc tháo gỡ các rào cản làm giảm khả năng tiếp cận hoặc tăng chi phí tiếp cận các yếu tố sản xuất và chi phí thực hiện nghĩa vụ Nhà nước cũng là rất cần thiết nhằm tiết giảm chi phí của DN và đóng góp vào chính sách gia tăng tổng cung.
Ngoài việc giảm thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách thuế minh bạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần gia tăng những giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của DN như hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ về tư vấn theo nhu cầu của từng nhóm doanh nghiệp… để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày một hiệu quả, chất lượng./.
Theo Cẩm Tú (VOV.VN)