Vĩnh Thạnh: Nỗ lực tìm hướng phát triển sản xuất công nghiệp
Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm. Song hoạt động sản xuất công nghiệp của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, bởi vậy huyện đang tìm hướng phát triển sản xuất công nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh đang sản xuất. Ảnh: T.DỊU
Theo Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, Cụm công nghiệp (CCN) Tà Súc (xã Vĩnh Quang) được quy hoạch với diện tích 40 ha. Giai đoạn 1 (19,7 ha) giao cho Công ty CP Xây lắp điện Tuy Phước làm chủ đầu tư, đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, có 6 DN đăng ký hoạt động các ngành nghề: chế biến nông lâm sản, sản xuất hạt nhựa, vật liệu xây dựng và cơ khí… Giai đoạn 2 (16,4 ha) do UBND huyện Vĩnh Thạnh làm chủ đầu tư, hiện có 3 DN đang hoạt động, chủ yếu sản xuất gạch theo công nghệ Hooffman.
Hiện CCN Tà Súc giai đoạn 1 có tỉ lệ lấp đầy gần 95%; giai đoạn 2 tỉ lệ lấp đầy khoảng 65%. Đây là một trong những CCN tuyến huyện miền núi thu hút được nhiều DN đầu tư, có tỉ lệ lấp đầy cao. Các DN sau khi được giao đất đảm bảo được tiến độ dự án, ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD). Một số DN hoạt động hiệu quả, như Chi nhánh Công ty TNHH Hào Hưng Phát chuyên sản xuất viên nén sinh học; Công ty CP Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh chuyên chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ; Công ty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh…, tạo việc làm cho hơn 150 lao động địa phương, góp phần tăng thu ngân sách cho huyện.
Tuy nhiên, các DN hoạt động trên địa bàn huyện đều có quy mô nhỏ, sản phẩm ít có tính cạnh tranh trên thị trường. Một số DN hoạt động cầm chừng, hiệu quả kém. Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp của huyện chưa thực sự phát triển, chưa tạo được sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế - ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhìn nhận.
Theo đánh giá của huyện, các DN hoạt động chưa hiệu quả do có nhiều khó khăn: Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Một số DN gặp khó trong việc tìm nguồn nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm buộc phải ngưng hoạt động hoặc chuyển hướng sản xuất sản phẩm khác…
Trước thực trạng này, cuối tháng 3 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã làm việc với các DN, cá nhân đăng ký SXKD trong và ngoài CCN Tà Súc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. “Trước mắt, huyện sẽ “siết” hoạt động SXKD của DN đang hoạt động trên địa bàn huyện, yêu cầu các DN hoạt động đúng với dự án đăng ký, hoàn thiện đầy đủ thủ tục. Sẽ rút giấy phép đối với các DN chậm tiến độ hoặc không có khả năng thực hiện dự án” - ông Đẩu cho biết.
Huyện sẽ xây dựng bộ thủ tục hành chính đầu tư SXKD trên địa bàn, niêm yết công khai; khẩn trương lập văn bản trình UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét việc nâng cấp tải trọng tuyến ĐT 637 phù hợp với tải trọng xe vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa của DN; tạo môi trường thuận lợi cho DN đăng ký hoạt động…
Theo ông Đẩu, huyện khuyến khích các DN hoạt động các ngành nghề phù hợp với thế mạnh, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhân công tại chỗ. Ưu tiên các DN có năng lực, có tâm huyết với dự án và chú trọng phát triển các lĩnh vực như chế biến nông, lâm sản, tiểu thủ công nghiệp, gắn với du lịch.
THU DỊU