Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) đã có tín hiệu tích cực những năm qua, nhờ vào ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Bana nơi đây. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở làng được phục hồi từ năm 2004, ban đầu chỉ có 25 người tham gia, nhưng đến nay số người biết dệt đã trên 70 người.
Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Thuận, cho biết: “Từ năm 2004, làng được hỗ trợ 25 khung dệt nhỏ, 15 khung dệt lớn, người dân bắt đầu tập trung dệt nhiều hơn. Người dân vẫn dùng trang phục truyền thống của mình vào các dịp lễ, tết, nên sản phẩm vẫn bán được cho người ở làng và ở xã, huyện. Nhờ vào mẫu mã đẹp và chất lượng tốt, thổ cẩm làng Hà Văn Trên còn thu hút được khách du lịch mua…”.
Với xu hướng hiện nay, các chị, các mẹ không chỉ dệt đồ thổ cẩm truyền thống mà thêm vào đó là đủ loại mẫu mã cách tân như váy, áo, túi vải… phục vụ cho nhu cầu của dân làng và thị hiếu của khách du lịch. “Chúng tôi vẫn mong muốn sản phẩm của mình có đầu ra tốt và được nhiều người biết đến hơn. Do vậy, rất trông đợi sẽ có nhà sàn thật đẹp tại điểm du lịch Suối Đá, đó là nơi vừa để dệt, vừa trưng bày giới thiệu sản phẩm đến với du khách” , chị Đinh Thị Xuân Bông bộc bạch.
Bà Đinh Thị Lơn (58 tuổi) là người có duyên bán đồ thổ cẩm cho khách du lịch tại làng. Mỗi năm bà bán được vài bộ đồ thổ cẩm truyền thống (làm mất khoảng 2 tháng mới xong), ngoài ra còn làm nhiều mặt hàng khác như đồ cách tân, vải địu em bé… để đáp ứng nhu cầu nhiều người. “Đã lớn tuổi và không còn nhiều sức làm nương rẫy, tôi tập trung dệt thổ cẩm để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đang mai một…”, bà Lơn bộc bạch.
THẢO KHUY