An Lão: Cần quyết liệt khắc phục tình trạng trì trệ, yếu kém
Ðó là yêu cầu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão vào ngày 11.4.
Quang cảnh buổi làm việc của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn với Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão ngày 11.4.
Bí thư Huyện ủy An Lão Đinh Minh Tấn chia sẻ rằng, cuộc làm việc có ý nghĩa quan trọng với An Lão, “để biết rõ mình ở đâu, cần phải làm gì”. Năm 2017, 3/32 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy An Lão xếp loại yếu kém. Vẫn còn tình trạng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thiếu gương mẫu, tinh thần trách nhiệm chưa cao... Thực tế đó đòi hỏi những động thái quyết liệt, giải pháp cụ thể để khắc phục, nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn.
Tránh tình trạng “trên phát, dưới không động”
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn “cơ bản ổn định”; tuy nhiên nạn cờ bạc, cá độ, số đề còn diễn biến phức tạp, nhưng chỉ đạo xử lý chưa hiệu quả, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, tự tử, tảo hôn, nghi kỵ vẫn còn xảy ra. Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam thừa nhận thực tế này. Đồng thời, cũng nêu rõ việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, giờ giấc làm việc ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc, “trụ sở xã thường buổi chiều là vắng!”.
Tái định cư hồ chứa nước Đồng Mít là nhiệm vụ quan trọng, cần sự vào cuộc cụ thể của cả hệ thống chính trị huyện An Lão.
- Trong ảnh: Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu tái định cư Dự án hồ chứa nước Đồng Mít được công khai tại trụ sở UBND xã An Dũng trưa 9.4.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trần Hóa nêu một thực tế kéo dài ở An Lão là cấp ủy, chính quyền ở cấp xã không thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp trên, “làm cũng được, không làm cũng xong”. Để tình trạng này kéo dài trong nhiều năm không thể bỏ qua trách nhiệm của Huyện ủy khi thiếu sâu sát, chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát. Cùng với đó là khâu đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên còn dễ dãi. “Đánh giá theo kiểu xuê xoa, cả huyện cùng tươi rói, trong khi việc vẫn không chạy, rừng vẫn bị phá. Nếu đánh giá đúng thực chất, tôi tin số tổ chức cơ sở đảng yếu kém năm 2017 không chỉ là 3, mà gấp nhiều lần hơn thế”, ông Hóa thẳng thắn nói.
“Phải khắc phục ngay tình trạng trì trệ, “trên phát” mà “dưới không động”. Huyện ủy phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình thực thi nhiệm vụ. “Không phải ra văn bản gửi xuống xã là xong, mà phải làm việc trực tiếp, chỉ đạo trực tiếp, đôn đốc trực tiếp”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn
Trước thực trạng đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn đặt ra yêu cầu phải khắc phục ngay tình trạng trì trệ, “trên phát” mà “dưới không động”. Huyện ủy phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình thực thi nhiệm vụ. “Không phải ra văn bản gửi xuống xã là xong, mà phải làm việc trực tiếp, chỉ đạo trực tiếp,đôn đốc trực tiếp”, ông Toàn nhấn mạnh.
Không thể mãi “chung chung”
Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc làm việc là tại sao các vụ phá rừng với quy mô lớn ở huyện An Lão được phát hiện quá muộn? Diện tích rừng rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng, nhưng còn “tai mắt”của nhân dân? Thành viên các hội đoàn thể ở cơ sở có trách nhiệm như thế nào? Và, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn - điều hết sức lo là người dân không nói, không phản ảnh. “Phải chăng có tình trạng dân thiếu niềm tin ở cán bộ?”, ông Toàn đặt vấn đề.
Cùng với đó là nỗi lo về tình trạng “chung chung” trong phong cách làm việc. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão, “chất lượng sinh hoạt ở một số chi bộ đảng còn hạn chế, vẫn còn tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt đảng kéo dài”. Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn cho rằng, với số lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên không lớn, phải làm rõ “một số chi bộ đảng” ở đây là bao nhiêu, và con số đảng viên bỏ sinh hoạt. Bởi, theo Điều lệ Đảng, chỉ bỏ sinh hoạt 3 lần/năm không có lý do chính đáng thì đã bị xóa tên trong danh sách đảng viên.
Khắc phục tiến đến chấm dứt kiểu làm việc chung chung, đổ trách nhiệm cho tập thể, khó khăn khách quan. Đặc biệt, Dự án hồ chứa nước Đồng Mít đang bước vào giai đoạn giải tỏa, tái định cư, với toàn bộ 443 hộ dân của xã An Dũng phải di dời sang nơi ở mới. Một cuộc “tổng động viên” đang diễn ra, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Song, để thực hiện hiệu quả, phải phân công nhiệm vụ, giao việc cụ thể cho từng cán bộ, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của từng đảng viên trong công tác vận động, chấp hành chủ trương chung.
Ông Lê Kim Toàn gợi ý: “Toàn huyện chỉ hơn 8.600 hộ dân, lại có 2.300 đảng viên; không tính nhà mình, bình quân mỗi đảng viên phụ trách 3 hộ với quy chế rõ ràng. Khi có vấn đề phát sinh ở gia đình nào mà đảng viên không nắm, không báo cáo kịp thời thì quy trách nhiệm, xử lý ngay. Phải gắn nhiệm vụ của đảng viên với nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, không thể chung chung nữa”.
NGUYỄN VĂN TRANG