Các nhà mạng 'hứa' bảo đảm thông tin khách hàng
Trước mối lo về an toàn thông tin cá nhân khi phải chụp ảnh chân dung và cung cấp thông tin cho nhà mạng, 3 nhà mạng viễn thông lớn đều khẳng định sẽ đảm bảo bí mật an toàn thông tin cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
Nhiều khách hàng đến bổ sung thông tin cá nhân và chụp ảnh chân dung tại các điểm giao dịch của nhà mạng VinaPhone. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định, trước ngày 24.4 tới, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác, (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến ngày 15.3.2018, mới có khoảng 4 triệu thuê bao tiến hành cập nhật thông tin trên tổng số khoảng 38 triệu thuê bao chưa đầy đủ thông tin, cần phải bổ sung.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, quy định tại Nghị định 49 nhằm xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu chính xác về người dùng di động. Vì vậy, không chỉ cần thông tin đúng mà còn phải bảo bảo tính chính danh, đúng người sử dụng thuê bao. Việc đăng ký thông tin bằng chứng minh nhân dân cũng không thể bảo đảm chính xác vì chứng minh nhân dân có thể đi mượn hoặc cùng một chứng minh nhân dân nhưng đăng ký nhiều thuê bao khác nhau. Chỉ có ảnh chân dung mới đảm bảo tính xác thực, đúng người, đúng số. Thái Lan, ngoài ảnh chụp, còn yêu cầu lấy cả dấu vân tay.
Với các nước phát triển, khi đăng ký thuê bao, người dùng chỉ cần giấy tờ tuỳ thân vì họ đã có dữ liệu dân cư quốc gia điện tử. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, giải pháp chụp ảnh chân dung thay vì lấy dấu vân tay vẫn được cho là khả thi và hữu hiệu hơn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dùng di động, đồng thời giúp ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác...
Tính đến tháng 3,2018, Viettel là nhà mạng còn số thuê bao thiếu thông tin cá nhân nhiều nhất, với khoảng 30 triệu thuê bao, mạng MobiFone khoảng 5 triệu thuê bao, VinaPhone hơn 7 triệu thuê bao.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc VinaPhone cho biết, đơn vị này không đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc lùi thời điểm thực hiện việc bổ sung thông tin thuê bao thêm 1 năm.
Vì vậy, để có thể hoàn thiện thông tin thuê bao theo đúng thời điểm quy định của Nghị định 49, nhà mạng này chia sẻ “rất mong nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, nhất là các quý khách hàng”.
“Đặc biệt, VinaPhone cam kết thông tin thuê bao được đăng ký, lưu giữ thống nhất, tập trung, tin cậy, sử dụng đúng mục đích và đảm bảo bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. Nếu thông tin khách hàng bị lộ, được xác minh chính xác nguồn tin từ phía VinaPhone, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Nguyễn Trường Giang cho biết.
Đại diện mạng MobiFone cũng chia sẻ, ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. MobiFone đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành.
Đại diện mạng Viettel cũng cho biết, việc bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, đã được quy định trong pháp luật hiện hành. Do đó, Viettel luôn ý thức được trách nhiệm này và triển khai các biện pháp để bảo đảm điều đó trong các quy chế hoạt động và quy trình quản lý thông tin thuê bao của mình.
Tuy nhiên, nỗ lực bảo vệ an toàn thông tin cá nhân cũng cần đến từ cả hai phía khách hàng và nhà mạng, do đó, các nhà mạng mong muốn khách hàng cẩn trọng hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân của mình, tránh cung cấp thông tin tràn lan.
Theo Thúy Hà (Chinhphu.vn)