Làng nghề truyền thống thiếu lao động trẻ
Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện lao động ở các làng nghề trong tỉnh chủ yếu ở độ tuổi trung niên và cao tuổi, là một trong những nguyên nhân khiến không ít làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một.
Làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ nên nhiều lao động trẻ đã bỏ nghề. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Khó “giữ chân” lao động trẻ
Theo nhìn nhận của người dân các làng nghề, nguyên nhân khiến lao động trẻ không muốn gắn bó với nghề truyền thống là tính chất công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn; đầu ra sản phẩm bấp bênh dẫn đến thu nhập không ổn định…
Vợ chồng bà Võ Thị Thiện, ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) theo nghề gốm gần 50 năm, nhưng giờ đây 3 người con của ông bà không có ai theo nghề truyền thống của gia đình. “Tụi nó học hành đàng hoàng, đi làm những nghề khác lương cao, công việc nhẹ nhàng hơn. Vợ chồng tôi ráng bám giữ nghề, làm được lúc nào hay lúc đó, chắc vài năm nữa cũng bỏ luôn, chứ giờ lớn tuổi rồi, lại không có ai để truyền nghề. Nhiều gia đình làm gốm ở đây cũng đã bỏ nghề vì không có người làm”, bà Thiện bộc bạch.
Anh Phạm Hoàng Giang, ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, là thợ tiện gỗ mỹ nghệ, thổ lộ: “Trước đây, lao động nghề tiện gỗ mỹ nghệ hầu hết là người trẻ, nhưng giờ họ nghỉ và đi tìm việc làm khác, trong đó có rất nhiều thợ giỏi. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ bây giờ tiêu thụ khó khăn, thu nhập cũng bấp bênh lắm”.
Làng nghề chiếu cói thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) tồn tại hàng trăm năm và một thời phát triển khá thịnh, nhưng hiện cũng đang mai một vì không có người giữ nghề. “Nghề này trước đây thịnh lắm, cả làng đều làm. Giờ thì hết rồi. Làm nghề dệt chiếu cói không đủ ăn, lũ trẻ bỏ đi tứ xứ kiếm sống. Trong làng giờ chỉ còn vài ba hộ gia đình duy trì nghề, nhưng người biết nghề cũng già lắm rồi”, bà Đoàn Thị Sỹ, ở thôn Lạc Điền, tỏ vẻ nuối tiếc.
Huyện Phù Mỹ có nhiều làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận, như làng thảm xơ dừa Mỹ Lợi, làng bánh tráng mì chà Mỹ Thắng, làng đan tre Mỹ Tài…, nhưng sự thiếu hụt lao động trẻ để truyền nghề, giữ nghề cũng là vấn đề trăn trở của nhiều làng nghề hiện nay.
Ông Nguyễn Đông Cường, Trưởng ban Ban quản lý các cụm công nghiệp - làng nghề huyện Phù Mỹ, cho hay: “Các làng nghề chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương. Thực trạng hiện nay là lao động trẻ không có hứng thú với nghề truyền thống vì thu nhập thấp, họ muốn đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc khác với thu nhập ổn định hơn”.
Giải pháp nào?
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Mỹ, cho biết: “Phù Mỹ có thế mạnh các làng nghề gắn với phát triển du lịch, song du lịch ở địa phương chưa phát triển. Vì vậy cần phát triển du lịch làng nghề, tạo thêm đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động, có như vậy mới tạo điều kiện cho lao động trẻ ở lại địa phương để phát triển làng nghề”.
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thì những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình khuyến công hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xúc tiến thương mại… để giúp các cơ sở sản xuất tại các làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, thu hút lực lượng lao động tại địa phương.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục triển khai hỗ trợ các đề án khuyến công có quy mô lớn, chia thành nhiều giai đoạn đầu tư trong nhiều năm; tập trung đầu tư phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chuyên ngành; tăng cường kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
NGỌC NHUẬN