Học ôn tổ hợp xã hội thi THPT quốc gia năm 2018:
Ôn trọng tâm theo chủ đề
Theo dự đoán, đề thi chính thức của bài tổ hợp các môn xã hội (Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân) trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ không “dễ thở” như năm ngoái. Nhằm giúp học sinh trong kỳ thi sắp đến, các giáo viên đang tìm kiếm những giải pháp ôn tập hiệu quả trong giai đoạn nước rút này.
Trong quá trình ôn tập, học sinh lớp 12 hãy bám thật chắc kiến thức trong sách giáo khoa.
Ôn trọng tâm kiến thức
Trong số 3 môn của bài thi tổ hợp này, Giáo dục công dân có lẽ là môn đang làm nhiều học sinh lo lắng hơn cả, bởi theo đề minh họa Bộ GD&ĐT đã công bố, trong đề có đến hơn 30% câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức đã học để trả lời. Đề minh họa còn có 8 câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức của 5 bài thuộc chương trình lớp 11. Thế nhưng, do không có giới hạn nội dung ôn tập nên giáo viên bộ môn vẫn phải lên kế hoạch ôn hết 16 bài của cả chương trình lớp 11 cho học sinh.
Nội dung ôn tập nhiều như vậy nên tại hội thảo hướng dẫn ôn thi do Sở GD&ĐT tổ chức cuối tháng trước, các giáo viên dạy Giáo dục công dân toàn tỉnh đã thống nhất ôn trọng tâm kiến thức.
“Ôn theo sơ đồ tư duy để các em nắm chắc kiến thức tổng thể, sau đó về nhà tự học và nghiên cứu thêm. Còn với câu hỏi vận dụng, các thầy cô tại hội thảo đã biên soạn tập trung một nguồn quỹ kha khá, chắc chắn sẽ hỗ trợ tốt cho công tác ôn tập”, thầy Nguyễn Văn Xí, Tổ trưởng Tổ Sử - Công dân - Giáo dục quốc phòng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Hoài Ân) cho biết.
Với môn Lịch sử, nội dung chương trình lớp 11 trong đề minh họa nằm ở 8 trong tổng số 40 câu hỏi, nhưng lại dàn trải ra nhiều chủ đề - cả phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; độ khó nằm từ mức độ vận dụng thấp trở xuống. Trong khi đó, đối với môn Địa lý, dù nội dung chương trình có nhiều phần kiến thức đan xen giữa lớp 11 và 12, nhưng cả 8 câu hỏi trong đề minh họa lại không liên quan gì đến kiến thức lớp 12 mà chỉ ở chương trình lớp 11.
Thầy Trần Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Công dân Trường THPT Xuân Diệu (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Vì thời gian ôn tập có hạn nên tổ bộ môn thống nhất chia chương trình lớp 11 ra làm 4 chủ đề chính. Kinh nghiệm cho thấy, ôn trọng tâm theo chủ đề như vậy sẽ giúp học sinh dễ nhớ kiến thức hơn. Bên cạnh việc dạy ở trường, thầy cô sẽ cung cấp tài liệu và hướng dẫn các em cách soạn bài, ôn bài ở nhà. Học xong một chủ đề, các em thực hành làm trắc nghiệm”.
Không được “học tủ”
Đó là lời khuyên của các giáo viên bộ môn và cựu thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, bởi kiến thức sẽ trải rộng chứ không tập trung vào một số chủ đề và cần có phương pháp ôn tập hợp lý, hiệu quả.
Cụ thể, với lượng kiến thức rất lớn của môn Lịch sử, phải học theo logic: nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa để nắm chắc vấn đề. Nên học theo dòng thời gian và không được học đốt cháy giai đoạn bởi các sự kiện luôn có mối liên hệ với nhau. Phải biết liên hệ những biến động, những điều kiện lịch sử quốc tế với tình hình trong nước, vì những diễn biến của chính trị thế giới ảnh hưởng sâu sắc tới đường lối lãnh đạo của Đảng cũng như phương hướng hành động.
Để làm tốt môn Địa lý, phải tuyệt đối tránh tình trạng lúng túng, không khai thác hết công dụng của Atlat trong phòng thi, muốn vậy, từ bây giờ, các học sinh phải tìm và nắm kỹ từng ký hiệu, từng biểu đồ trên Atlat. Bên cạnh lý thuyết, môn Địa lý còn có phần chuyển đổi số liệu, vẽ biểu đồ, phân tích. Lời khuyên của các cựu thí sinh có kinh nghiệm đạt kết quả tốt là hãy tiếp cận mọi đơn vị số liệu, mọi dạng thức đề để rèn khả năng linh hoạt, nhạy bén với những bài tập tính toán.
Nhiều năm giảng dạy môn Giáo dục công dân, thầy giáo Nguyễn Văn Xí ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hoài Ân) nghĩ ra phương pháp “phân tích đi lên”, giúp học sinh “gỡ rối” những câu hỏi gây nhiễu. “Tức là, gỡ dần những ý trong câu hỏi ra mà trả lời. Phải xác định thật chắc người ta hỏi gì và dựa vào các chi tiết trong câu hỏi để giải quyết yêu cầu”, thầy Xí cho biết.
Ở môn thi này, với kinh nghiệm từng đạt thủ khoa khối C Trường ĐH Quy Nhơn, sinh viên Nguyễn Thị Thùy Trang đã chia sẻ bí quyết để có điểm cao là phải tìm hiểu những cách xử lý tình huống trong thực tiễn cuộc sống, bởi đa số câu hỏi trong đề là tình huống thực tế. “Một điều không thể thiếu đối với những môn học thuộc khối xã hội nói chung - đó chính là bám thật chắc sách giáo khoa. Bởi đó là phần kiến thức cơ bản, là điều tiên quyết trước khi học nâng cao, mở rộng”, Thùy Trang cho hay.
NGỌC TÚ